Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm ( Lc 11 ,14). Có một thực tế là ma quỷ thường không dẫn tội nhân xuống hỏa ngục khi m...
Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm (Lc 11,14).
Có một thực tế là ma quỷ thường không dẫn tội nhân xuống hỏa ngục khi mắt họ đang mở; đầu tiên, nó tiến hành bịt mắt họ bằng sự ác độc trong tội lỗi (Kn 2,21), rồi sau đó mới đưa họ tới cái chết đời đời. Trước khi chúng ta phạm tội, nó cố gắng làm chúng ta đui mù mà không thấy được điều ác mình sắp thực hiện và sự hủy hoại chính mình khi làm điều xúc phạm tới Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta phạm tội rồi, nó sẽ làm chúng ta câm lặng qua việc xấu hổ và che giấu tội mình khi xưng tội. Như thế, nó kéo chúng ta xuống hỏa ngục bằng hai sợi xích và xui khiến chúng ta, sau những hành vi phạm tội, lại tiếp tục ưng thuận để phạm một tội mới còn trọng hơn cả tội phạm thánh. Tôi sẽ nói về chủ đề đó ngày hôm nay và cố gắng giúp anh em nhận thức được sự xấu xa khủng khiếp của việc giấu tội khi xưng tội.
1. Khi giải thích những lời của vua Đa-vít trong Thánh Vịnh 141: Xin canh giữ miệng con, lạy CHÚA, và trông chừng lưỡi con (Tv 141,3), Thánh Augustinô nói rằng chúng ta cần phải giữ một cánh cửa nơi miệng lưỡi để có thể đóng lại khi muốn nói những lời gièm pha, phạm thượng hay bất xứng; nhưng phải mở ra khi thú nhận tội lỗi mình. Và thánh nhân nói thêm: “Như thế, nó sẽ là cánh cửa của sự thận trọng chứ không phải cánh cửa dẫn tới diệt vong.” Giữ im lặng khi bị ép buộc phải nói những điều phạm tới Thiên Chúa và tha nhân là một cử chỉ nhân đức, nhưng nếu chúng ta im lặng khi xưng thú tội lỗi, chúng ta sẽ tự hủy hoại linh hồn mình. Thánh Antoninus kể lại rằng có một vị ẩn sĩ thánh thiện đã từng nhìn thấy ma quỷ đứng cạnh một người muốn vào tòa giải tội. Vị ẩn sĩ hỏi tên quỷ ấy xem nó làm gì ở đó. Nó trả lời rằng: “Tôi đang trả lại những hối nhân này thứ mà tôi đã lấy đi. Lúc họ đang phạm tội, tôi đã đánh cắp sự xấu hổ; nhưng bây giờ, tôi trả nó lại để họ thấy khiếp sợ khi xưng tội mình ra.”
Vết thương con nặng mùi, rữa nát bởi vì con điên cuồng (Tv 38,6). Những vết thương thối rữa sẽ dẫn đến tử vong; và những tội lỗi bị giấu kín khi xưng thú là những ung nhọt của linh hồn, sẽ trở nên hôi thối và hoại tử.
2. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, Thiên Chúa đã làm cho tội lỗi trở nên đáng xấu hổ để chúng ta lánh xa nó. Người cũng ban cho chúng ta sự tin tưởng và mạnh dạn để thú tội khi hứa rằng Người sẽ tha thứ cho những ai biết ăn năn cáo mình. Nhưng ma quỷ thì ngược lại, nó cho người ta sự tin tưởng khi phạm tội vì hy vọng vào ơn tha thứ; nhưng khi họ đã phạm tội rồi, nó xúi giục họ xấu hổ để ngăn cản họ xưng tội ấy ra.
3. Một môn đệ của Xô-cơ-rát đang khi rời khỏi một gia đình bị mang tiếng xấu, nhìn thấy thầy mình đi qua, anh ta liền quay trở vào để không bị nhìn thấy. Xô-cơ-rát đến bên cửa nhà và nói: “Hỡi con trai, thật đáng xấu hổ khi con bước vào nhà này nhưng không phải vậy nếu con bước ra.” Đối với anh em cũng vậy, hỡi những kẻ phạm tội, anh em hãy xấu hổ khi xúc phạm đến Thiên Chúa cao cả và nhân lành, nhưng không có lý do gì để anh em phải xấu hổ khi thú nhận những tội mà mình đã phạm.
Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la có xấu hổ không khi công khai thừa nhận dưới chân Đức Giê-su rằng mình là kẻ có tội?
Thánh Augustinô có xấu hổ không khi chẳng những xưng thú tội mình, ông còn xuất bản chúng thành một cuốn sách, để rồi nỗi hổ thẹn của ông có thể bị cả thế gian biết đến?
Thánh Ma-ri-a của Ai-cập có xấu hổ không khi thú nhận rằng trong nhiều năm, bà đã sống một cuộc đời ô nhục?
Không. Bằng sự thú nhận tội lỗi mình, tất cả họ đã trở thành những vị thánh và được tôn vinh nơi bàn thờ của Giáo Hội.
4. Khi một người thừa nhận lội lỗi mình trước toà án thế thục, anh ta sẽ bị kết án; nhưng trong tòa án của Chúa Ki-tô, những ai thú nhận tội mình sẽ được tha thứ và được nhận một triều thiên vinh quang đời đời. Thánh Gio-an Kim Khẩu nói rằng: “Sau khi xưng tội, một triều thiên sẽ được trao cho các hối nhân.” Trong phiên họp thứ XIV, Công đồng Tren-tô tuyên bố rằng: “Nếu bệnh nhân xấu hổ không cho thầy thuốc xem vết thương của mình, y thuật của ông sẽ không thể chữa lành người ấy.” Vì vậy, hỡi anh em, nếu linh hồn anh em đang bị lở loét vì tội lỗi, hãy thú nhận nó ra, bởi nếu không, anh em sẽ bị hư mất. Đừng hổ thẹn xưng thú tội lỗi mình (Hc 4,26), muốn được cứu, anh em phải vượt qua nỗi hổ thẹn ấy. Vì có cái nhục đưa đến tội lỗi, và cũng có cái nhục là vinh quang và ân sủng (Hc 4,21). Cái nhục đưa đến tội lỗi chính là sự xấu hổ làm cho tội nhân giấu giếm tội mình khi xưng thú, còn cái nhục vinh quang là nỗi xấu hổ và nhục nhã mà họ cảm thấy trong lòng khi xưng tội mình ra. Cái nhục ấy sẽ giúp họ nhận được từ Chúa ân sủng ở đời này và vinh quang ở đời sau.
5. Thánh Augustinô nói rằng để ngăn chiên cất tiếng kêu cứu khi bị bắt, sói dữ sẽ ngoạm lấy cổ nó rồi tha đi ăn thịt mà không để lại động tĩnh gì. Ma quỷ cũng làm như vậy với chiên của Chúa Ki-tô. Sau khi làm cho họ chịu thua cám dỗ và phạm tội, nó liền tóm lấy cổ để không cho họ xưng thú tội mình; và như vậy, nó kéo họ xuống hỏa ngục một cách an toàn.
Đối với một người mắc tội trọng, không có phương tiện cứu độ nào khác dành cho anh ta ngoại trừ việc xưng tội. Vậy nên, nếu anh ta che giấu tội mình và dùng tòa giải tội làm nơi xúc phạm Thiên Chúa, anh ta trở thành nô lệ của xa-tan và không thể hy vọng rằng mình sẽ được cứu. Liệu một bệnh nhân có thể được khỏi bệnh hay không nếu thay vì thuốc do bác sĩ kê đơn, anh ta chọn cách uống thuốc độc?
Khi hối nhân lãnh nhận ơn tha thứ trong bí tích giải tội, họ được thông ban bửu huyết cứu chuộc của Chúa Ki-tô, vì nhờ bửu huyết đó mà họ được khỏi tội. Như vậy, bằng việc che giấu tội lỗi khi xưng tội, anh ta chà đạp lên Máu Thánh Chúa. Và nếu sau đó, anh ta rước lễ trong tình trạng tội lỗi, theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, anh ta ném Minh Thánh Chúa đã nhận vào trong một vũng lầy.
6. Một số hối nhân hỏi rằng: “Cha giải tội sẽ nói gì khi tôi tiết lộ với ngài về tội mình đã phạm?” Vị ấy nói gì ư? Ông sẽ nói rằng bạn cũng giống như mọi con người ở thế gian này, khốn khổ và có khuynh hướng phạm tội. Nếu bạn đã làm một chuyện xấu xa, bạn cần phải biết rằng mình cũng đã thực hiện một hành động đáng tôn vinh, khi bạn vượt qua sự xấu hổ và thành thật xưng thú tội mình.
8. Có phải bạn sợ người giải tội sẽ tiết lộ tội của bạn cho người khác không? Không. Hãy nhớ rằng bổn phận phải giữ ấn tín toà giải tội là rất nghiêm ngặt đến nỗi vị linh mục sẽ không thể nói lại lời thú tội ngay cả với chính hối nhân đã phạm tội ấy; và nếu không tuân thủ nguyên tắc này, ông phạm phải một tội rất nghiêm trọng.
9. Nhưng bạn nói: “Tôi sợ rằng khi nghe thấy tội của tôi, cha giải tội sẽ nghiêm khắc quở trách.” Ôi Chúa tôi! Bạn không thấy rằng đây là những mánh khóe lừa đảo của ma quỷ để kéo bạn xuống hỏa ngục sao? Không. Linh mục giải tội sẽ không quở trách, nhưng sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp với tình trạng của bạn. Ông sẽ không cảm thấy điều gì giúp an ủi mình hơn là việc tha tội cho hối nhân, người đã xưng thú tội lỗi với nỗi buồn thực sự và theo cách chân thành.
10. Nhưng nếu bạn vẫn tiếp tục chìm đắm trong những nỗi sợ do ma quỷ tạo ra và làm tổn thương linh hồn chính mình. Bạn sợ linh mục giải tội sẽ quở trách nhưng lại không sợ bị Chúa Giê-su khiển trách vào giờ lâm tử. Bạn sợ chuyện xấu mình đã làm sẽ bị bại lộ (dù điều này là không thể), nhưng lại không sợ Ngày phán xét, nơi mà nếu như bạn giấu tội ở đời này, nó sẽ bị phơi bày ra trước mắt tất cả mọi người. Nếu bạn biết rằng việc giấu tội khi xưng tội sẽ khiến chúng bị đưa ra trước mặt họ hàng và những người thân cận, bạn chắc chắn đã thú nhận chúng rồi. Hãy nhớ rằng vì nỗi hổ thẹn của bạn, nếu bạn giấu chỉ một tội thôi, Thiên Chúa sẽ công bố không những tội đó mà còn mọi tội khác bạn đã phạm trước mắt toàn thể thiên thần và loài người.
11. Theo Thánh Ambrôsiô, ma quỷ sẽ giữ một bản ghi chép đầy đủ các tội mà bạn đã phạm để buộc tội bạn cùng với nó trong phiên tòa của Chúa Ki-tô. Và thánh nhân nói tiếp: Vậy bạn có muốn ngăn chặn những lời buộc tội này không? Nếu muốn, hãy tố cáo tội mình ngay bây giờ với cha giải tội, và như vậy, sẽ không còn ai đứng lên chống lại bạn trước tòa Thiên Chúa trong Ngày phán xét. Nhưng bạn cũng phải lưu ý rằng nếu bạn tự tha thứ cho mình khi xưng tội, theo Thánh Augustinô, bạn sẽ khóa chặt tội lỗi trong linh hồn mình và đóng cửa từ chối ơn tha thứ.
Bình luận