Trong dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành, Chúa Giê-su kể cho chúng ta câu chuyện về một người nào đó bị rơi vào tay kẻ cướp. Sau khi lột sạ...
Trong dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành, Chúa Giê-su kể cho chúng ta câu chuyện về một người nào đó bị rơi vào tay kẻ cướp. Sau khi lột sạch tiền của, đánh nhừ tử, chúng bỏ đi và để mặc anh ta nửa sống nửa chết. Rồi có một người Sa-ma-ri đi qua thấy anh ta nằm đó và chạnh lòng thương. Người ấy băng bó vết thương rồi đưa anh ta về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, người ấy lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này”.
Điều mà tôi muốn nói với anh em ngày hôm nay nhân câu chuyện này là: Nếu có bất kỳ ai trong anh em, khi linh hồn bị tổn thương bởi tội lỗi, thay vì để tâm săn sóc nó, lại để mặc cho nó bị “đánh nhừ tử” bởi các tội lỗi mới rồi nghĩ rằng lòng thương xót Chúa, như người Sa-ma-ri nhân lành kia, sẽ có trách nhiệm giúp nó ăn năn và gìn giữ cho nó khỏi hư mất. Nếu như vậy, anh em hãy biết rằng linh hồn mình đang ở một tình trạng vô cùng tệ hại. Nó đang ốm yếu, và tệ hơn nữa, nó đang hấp hối và rất gần cái chết đời đời dưới hỏa ngục; vì linh hồn những kẻ lạm dụng lòng thương xót Chúa sắp sửa bị ruồng bỏ bởi chính lòng thương xót ấy. Đó cũng là đề tài của bài giảng ngày hôm nay.
1. Thánh Augustinô nói rằng ma quỷ thường đánh lừa các Ki-tô hữu bằng hai cách: tuyệt vọng và hy vọng. Khi một người phạm tội rồi, nó đưa ra trước mắt người ấy phép công thẳng của Thiên Chúa để cám dỗ anh ta tuyệt vọng. Nhưng trước khi anh ta phạm tội, nó đưa ra lòng thương xót của Người để làm anh ta hy vọng và không còn sợ hãi bị trừng phạt vì tội ấy nữa. Do đó, thánh nhân đưa ra lời khuyên: Sau khi phạm tội, hãy hy vọng vào lòng thương xót Chúa; nhưng trước khi phạm tội, hãy biết sợ công lý của Người.
Nếu sau khi phạm tội, anh em tuyệt vọng vào sự tha thứ của Chúa, anh em phạm một tội mới trọng hơn. Hãy trông cậy vào lòng thương xót của Người và anh em sẽ được tha thứ. Nhưng đứng trước tội lỗi, hãy sợ bị trừng phạt và đừng trông mong vào lòng thương xót ấy; vì kẻ lạm dụng nó sẽ không xứng đáng được đối xử với lòng thương xót. Giám mục Alonso Tostado thành Avila (1410-1455) nói rằng: người phạm đến công lý có thể có quyền trông cậy lòng thương xót, nhưng họ có thể cậy nhờ ai khi mà chính họ đã xúc phạm và kích động lòng thương xót ấy chống lại mình?
2. Khi anh em có ý định phạm tội, tôi muốn hỏi: ai đã hứa với anh em về lòng thương xót Chúa? Chắc chắn Chúa không hứa điều đó, nhưng là ma quỷ, kẻ muốn làm cho anh em có nguy cơ đánh mất Ngài và bị nguyền rủa. Thánh Gio-an Kim Khẩu nói: Hãy coi chừng, đừng có để ý tới kẻ đê tiện đã hứa ban lòng thương xót Chúa cho anh em như vậy. Hỡi tội nhân, nếu từ trước tới giờ, anh em đã xúc phạm đến Chúa, anh em phải biết rằng: Nếu anh em khao khát từ bỏ tội lỗi và gớm ghét nó, hãy hy vọng, vì Chúa tha thứ cho tất cả những ai ăn năn tội mình. Nhưng nếu anh em có ý định tiếp tục phạm tội thì hãy run sợ, rằng Ngài sẽ không chờ đợi anh em nữa, nhưng ném anh em xuống hỏa ngục. Tại sao Chúa lại chờ đợi tội nhân? Có phải là để họ tiếp tục xúc phạm Ngài? Không phải như vậy, nhưng là để họ từ bỏ tội lỗi, để được Ngài đoái thương. Nhưng khi thấy họ, thay vì dùng thời gian được ban để ăn năn sám hối, lại sử dụng nó để nhân thêm số tội của mình, Ngài sẽ bắt đầu trừng phạt và rút họ ra khỏi đời này bằng cái chết trong tình trạng tội lỗi, để họ không còn có thể xúc phạm Ngài nữa. Và Thánh Grêgôriô nói: Chính khi ấy, Ngài sẽ đến để phán xét họ.
3. Ôi, sự ảo tưởng của những Ki-tô hữu bị nguyền rủa. Chúng ta thường hiếm khi thấy một tội nhân nào, khi bị ruồng bỏ, phải tuyệt vọng mà thốt lên: Than ôi, tôi đã tự nguyền rủa chính mình. Nhưng khi sắp sửa phạm tội, họ nói: Chúa là đấng từ bi và hay thương xót, tôi sẽ phạm tội này rồi đi xưng thú sau cũng chưa muộn. Chính vì sự ảo tưởng đó, hay đúng hơn, cái bẫy của xa-tan, mà vô số linh hồn đã bị kéo xuống hỏa ngục. Nhưng hãy xem Chúa nói gì với chúng ta: Đừng nói: “Người rất mực cảm thương, tôi có phạm tội nhiều, Người cũng tha thứ cả!” Vì Người thương xót, Người cũng nổi lôi đình, và cơn lôi đình của Người ập xuống quân tội lỗi (Hc 5,6).
Có một điều chắc chắn là giữa lòng thương xót Chúa và hành vi thương xót của Người tồn tại một sự khác biệt lớn, một bên là vô hạn còn bên kia là hữu hạn. Người giàu lòng thương xót nhưng cũng rất công bằng khi xét xử. Theo Thánh Basiliô, những kẻ tội lỗi thường chỉ nhìn thấy một nửa của Chúa, họ xem Ngài là Người sẵn sàng tha thứ chứ không phải là Người đưa ra hình phạt. Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người, như Mẹ Ma-ri-a đã nói trong bài ca Ngợi Khen; nhưng Người cũng sẽ trừng phạt những kẻ vô ơn và lạm dụng lòng thương xót ấy để tiếp tục phạm tội.
6. Khi một tội nhân, với hy vọng được tha thứ, nói rằng: Rồi tôi sẽ ăn năn sau và Chúa sẽ tha cho tôi thôi. Theo Thánh Augustinô, đó là một tên lừa đảo chứ không phải một hối nhân. Và với những kẻ nhạo báng Thiên Chúa bằng cách mặc sức xúc phạm Người rồi lại mong nhận được ơn tha thứ như vậy, Thánh Phao-lô cảnh báo: Anh em đừng có lầm tưởng: Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! (Gl 6,7) và ngài khẳng định: Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Nếu bạn gieo rắc đủ thứ tội lỗi, thử hỏi bạn có thể mong đợi được gặt hái điều gì nếu không phải là sự hư mất và sự chết đời đời trong hỏa ngục. Hay là bạn coi thường lòng Chúa vô cùng nhân hậu, khoan dung, đại lượng, mà không nhận ra rằng: Thiên Chúa nhân hậu như thế là để thúc giục bạn hối cải sao? (Rm 2,4). Nếu bạn lòng chai dạ đá không chịu hối cải,… bạn càng làm cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chồng chất trên đầu bạn, trong ngày Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và biểu lộ phán quyết công minh (Rm 2,5).
7. Đối với những tội nhân cứng đầu cứng cổ, Thiên Chúa sẽ nói với họ như với thành Ba-by-lon: “Chúng tôi muốn chữa trị cho Ba-by-lon, thế mà nó vẫn chẳng lành” (Gr 51,9). Vậy thì hãy Mặc kệ nó! Và Người sẽ bỏ mặc họ như thế nào? Người gửi đến cho họ cái chết bất ngờ trong tình trạng tội lỗi hoặc tước đi từ họ những ân sủng giúp sinh ra lòng ăn năn thực sự. Người sẽ để lại cho họ đầy đủ những ân sủng khác nhưng sẽ không cứu lấy linh hồn họ. Đầu óc tăm tối, sự cứng lòng cùng với những thói hư tật xấu sẽ khiến cho họ không tài nào hoán cải. Mặc dù Thiên Chúa không bỏ rơi họ hoàn toàn, nhưng hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo (Is 5,5). Hàng giậu đó chính là lòng kính sợ Chúa và cảm giác hối hận trong lương tâm khi phạm tội. Linh hồn họ sẽ chìm trong bóng tối và các tật xấu cứ thế mà chen chúc tràn vào lòng trí họ. Và rồi, đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành (Tv 104,20). Kẻ rơi vào hố sâu tội lỗi sẽ coi khinh những lời khuyên bảo và ân sủng thiêng liêng. Vạ tuyệt thông hay án phạt hỏa ngục họ cũng chẳng coi ra gì. Họ cười nhạo với sự nguyền rủa dành cho chính mình.
8. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a hỏi Chúa: Tại sao kẻ gian ác thịnh đạt trên đường đời, tại sao mọi quân phản bội cứ bình an vô sự? (Gr 12,1). Và ông nhận được câu trả lời: để tách biệt quân gian ác, như tách chiên để đưa tới lò sát sinh. Khốn cho những kẻ tội lỗi đang thịnh đạt ở đời này! Sự thịnh đạt của tội nhân là một dấu hiệu cho thấy Chúa muốn ban cho họ một phần thưởng ngắn ngủi tạm thời cho một số việc lành của họ. Nhưng chính những kẻ ấy sẽ trở thành vật hy sinh cho công lý của Người trong hỏa ngục vào Ngày phán xét.
9. Có một câu chuyện liên quan đến cuộc đời cha Louis La Nusa, một vị thừa sai sống ở Ý vào thế kỷ XVII. Chuyện kể rằng một ngày nọ, ở Pa-léc-mô, có hai người bạn cùng đi dạo bộ, một trong số đó là diễn viên hài có cái tên Xê-da. Khi thấy người bạn đồng hành có nỗi buồn đè nén trong lòng, anh ta hỏi: “Anh đã xưng tội được bao lâu rồi? Có phải đã lâu không nhận các bí tích mà anh buồn thế đúng không? Nghe tôi kể này, có một lần, cha La Nusa nói với tôi: “Chúa nói rằng Ngài chỉ cho anh mười hai năm nữa để sống thôi. Nếu anh không sửa đổi mình, anh sẽ phải ra đi bằng cái chết bất hạnh”. Kể từ đó, tôi đã đi khắp năm châu bốn bể, đã ốm đau nhiều trận, có lần thập tử nhất sinh nhưng vẫn giữ được mạng sống; và anh biết gì không? Chỉ còn nốt tháng này nữa thôi là hết hạn mười hai năm rồi. Tôi chưa bao giờ thấy vui như thế trong suốt phần đời đã qua”. Rồi Xê-da mời anh bạn của mình tới xem một vở hài kịch vào tối thứ bảy, vở kịch này do chính anh ta sáng tác. Nhưng sau đó, chuyện gì đã xảy ra? Vào thứ bảy, ngày 24 tháng 11 năm 1688, khi Xê-da đang bước trên sân khấu, anh ta bị trúng gió và đột ngột qua đời. Anh ta đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay một nữ diễn viên. Và như thế, vở hài kịch kết thúc. Chúng ta hãy lấy câu chuyện đó mà làm bài học cho mình.
Hỡi anh em thân mến của tôi, nếu ma quỷ quyến rũ anh em phạm tội thêm nữa và nếu anh em muốn mình hư mất, anh em có thể làm theo ý mình, nhưng đừng nói rằng anh em muốn được cứu. Và chừng nào anh em còn ao ước phạm tội, còn muốn nguyền rủa chính mình, hãy tưởng tượng lúc anh em nhận án phạt của Chúa trong Ngày phán xét. Khi ấy, Người sẽ nói với anh em: Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại? (Is 5,4). Hỡi linh hồn vô ơn bạc nghĩa, có điều tốt đẹp nào mà Ta đã chẳng làm cho ngươi? Nhưng ngươi lại muốn cho mình hư mất. Vậy giờ đây, hãy xuống hỏa ngục mà chịu lửa đời đời, đó là sai lầm mà chính ngươi đã chọn.
10. Để kết thúc bài giảng ngày hôm nay, tôi muốn anh em hãy tự xem xét lại bản thân mình. Hãy nhìn lại những năm tháng đã qua của cuộc đời và nhớ đến những tội lỗi ghê gớm mà anh em đã phạm. Hãy hồi tưởng về lòng thương xót bao la mà Chúa đã dành cho anh em, những lần Người soi sáng tâm hồn anh em, kêu gọi anh em thống hối và thay đổi cuộc đời mình. Và hôm nay, qua bài giảng này, Người lại kêu gọi anh em một lần nữa. Như người thợ tận tình chăm sóc vườn nho, Người cũng lại hỏi anh em: Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Vậy anh em sẽ trả lời Chúa ra sao? Anh em muốn hiến mình cho Người hay lại tiếp tục phạm tội? Anh em hãy cân nhắc, vì như Thánh Augustinô nói, án phạt dành cho anh em đã được trì hoãn nhưng không phải đã được xóa bỏ. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa (Mt 3,10). Nếu anh em lạm dụng lòng thương xót của Chúa, anh em sẽ sớm bị chặt đi và ngày Thiên Chúa báo oán sẽ không còn xa anh em. Vậy anh em còn chần chừ gì nữa? Anh em muốn đợi đến ngày mình phải sa hỏa ngục hay sao? Chúa đã luôn im lặng cho đến giờ này, nhưng Người sẽ không im lặng mãi đâu. Khi đến ngày báo oán, Người sẽ nói: “Ngươi làm thế, chẳng lẽ Ta thinh lặng, ngươi tưởng rằng Ta cũng giống ngươi sao? Này đây Ta khiển trách, những tội kia, Ta vạch rõ ngươi xem” (Tv 50,21). Người sẽ đưa ra những ân sủng mà anh em đã coi thường, chính những ân sủng ấy sẽ là bằng chứng buộc tội anh em, khiến anh em chẳng còn gì để bào chữa.
Vậy, hỡi anh em thân mến của tôi, đừng cưỡng lại lời kêu gọi của Người. Hãy run sợ vì lời kêu gọi ngày hôm nay có thể là lần cuối cùng nó được dành cho anh em. Hãy đi xưng tội càng sớm càng tốt và hãy quyết tâm thay đổi cuộc đời mình. Nhưng nếu anh em đi xưng tội rồi lại ngựa quen đường cũ, thì có xưng cũng vô ích thôi. Có thể anh em nói rằng mình không đủ sức mạnh để chiến thắng các cơn cám dỗ. Vậy anh em hãy xem Thánh Phao-lô nói gì: Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức (1 Cr 10,13). Nếu anh em còn cảm thấy đuối sức thì hãy cầu xin Chúa, bởi nếu anh em xin một điều tốt đẹp thì cứ xin đi, anh em sẽ được (Ga 16,24). Như Vua Đa-vít đã ca lên trong niềm vui sướng: Tôi kêu cầu CHÚA là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù (Tv 18,4). Và Thánh Phao-lô cũng đã quả quyết rằng: Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết (Pl 4,13). Hãy phó thác linh hồn anh em cho Chúa trong mọi cơn cám dỗ, Người sẽ giúp anh em chống lại nó và sẽ không để anh em phải gục ngã đâu.
Bình luận