$type=ticker$count=12$cols=4$cate=0

Chủ Nghĩa Phổ Quát: Có Phải Mọi Người Đều Sẽ Được Lên Thiên Đàng?

Chia sẻ bài viết này:

N hân cuốn sách của David Bentley Hart Vào năm 2019, tác giả, nhà thần học Chính Thống Giáo Đông Phương David Bentley Hart đã phát hành một ...

Nhân cuốn sách của David Bentley Hart

Vào năm 2019, tác giả, nhà thần học Chính Thống Giáo Đông Phương David Bentley Hart đã phát hành một cuốn sách mới bàn về chủ đề rất cũ: Chủ nghĩa phổ quát. Trong cuốn sách có tựa đề: Tất cả sẽ được cứu: Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Ơn cứu độ phổ quát, Hart kết luận rằng mọi loài thụ tạo (có thể kể cả xa-tan và các thiên thần sa ngã, mặc dù Hart không nói ra một cách dứt khoát và rõ ràng) sẽ được sống đời đời với Thiên Chúa trên Thiên Đàng. Vì một hỏa ngục vĩnh cửu là quá bất công đến nỗi nếu nó là một phần thiết yếu của giáo lý Ki-tô Giáo, đó sẽ là (theo lời Hart) bằng chứng cho thấy Ki-tô Giáo nên bị gạt bỏ cách hiển nhiên như một niềm tin u mê về mặt luân lý và nhảm nhí về mặt lôgic.

Để chứng minh quan điểm của mình, Hart viện dẫn một số trích đoạn trong Kinh Thánh mà chính ông cũng cảm thấy bối rối vì tại sao nó lại không được nhà thần học nào đoái hoài trong suốt lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội, và rằng “chúng bị che khuất sau một tấm màn mỏng được thêu dệt từ ba bốn câu văn hết sức mơ hồ về một hỏa ngục vĩnh cửu dường như (chỉ là dường như) để dọa nạt những kẻ gian ác”. Tất cả các trích dẫn mà Hart đưa ra đều được giải thích một cách sai lầm do trí hiểu nửa vời của ông. Chẳng hạn câu: Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1 Tm 2,3-4). Câu này hoàn toàn không có nghĩa Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Dĩ nhiên, Người mong muốn điều tốt lành cho chúng ta như mọi loài thụ tạo khác, nhưng Người cũng ban cho con người và thiên thần một ý chí tự do. Họ có quyền tự quyết xem mình sẽ nhận được phần thưởng hay án phạt, thậm chí án phạt đời đời từ món quà tuyệt vời đó; nói cách khác, họ có quyền phạm tội và từ chối ơn cứu độ của Người. 

Trong một trích dẫn khác: Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống (1 Cr 15,22). Một lần nữa, Hart lại nhầm lẫn vì cụm từ “mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô”ở đây chắc chắn không có nghĩa là tất cả. Theo ngôn ngữ mà Thánh Phao-lô thường sử dụng, đây là cách gọi dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Cách giải thích tương tự cũng được áp dụng cho câu: vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống (Rm 5,18).

Chủ nghĩa phổ quát

Đôi nét về chủ nghĩa phổ quát

Một cách ngắn gọn, chủ nghĩa phổ quát là niềm tin cho rằng “tất cả mọi người đều sẽ được cứu độ bất kể họ là ai và sống thế nào”. Nó dẫn đến một hệ quả tất yếu là: vì ai cũng được lên Thiên Đàng nên sẽ không ai phải chịu hình phạt vĩnh cửu dưới hỏa ngục. Ở một mức độ thấp hơn, sự hy vọng và tin tưởng vào một kết thúc như vậy được gọi là chủ nghĩa bán phổ quát.

Nói về khả năng tồn tại một hỏa ngục trống rỗng, đây không phải là điều gì đó mới mẻ trong thế kỷ XXI này. Ngay từ thế kỷ thứ III, học giả Ôrigênê đã từng lập luận rằng một sự phục hồi phổ quát (apokatastasis) sẽ giúp hiệp nhất tất cả mọi loài thụ tạo, bao gồm cả các tội nhân không ăn năn và các thiên thần sa ngã, với Thiên Chúa. Mặc dù học thuyết này được ông sử dụng một cách dè dặt và luôn đặt nó trong tình trạng hoài nghi, nhưng đã gây ra không ít tranh cãi và hiểu lầm. Chính vì vậy mà ngay từ lúc còn sống cũng như khi đã qua đời, bất chấp những đóng góp to lớn của Ôrigênê cho nền thần học Ki-tô Giáo, chủ nghĩa thần học và một số giáo lý của ông bị nhiều Giám mục và học giả trong Giáo Hội bác bỏ, thậm chí lên án, trong đó có Thánh Augustinô (Thành phố của Chúa, cuốn XXI, chương 17).

Khi bàn về ý nghĩa thực sự mà Ôrigênê muốn diễn đạt qua những lời dạy của mình, các nhà thần học hiện đại ngày nay vẫn còn bị chia rẽ. Nhưng không thể phủ nhận rằng những câu chữ của vị Giáo phụ này dường như loại trừ khả năng sẽ có ai đó phải sa hỏa ngục vĩnh viễn. Theo nhà thần học Kinh Thánh Anh Giáo Richard Bauckham: “Cho đến thế kỷ XIX, hầu hết các nhà thần học Ki-tô Giáo đều dạy về sự dằn vặt đời đời trong hỏa ngục. Nhưng đâu đó bên ngoài dòng chính thần học, vẫn có những người cho rằng những kẻ gian ác sẽ bị hủy diệt hoàn toàn… hoặc như một số ít hơn, ủng hộ ơn cứu độ phổ quát”.

Ngoài các giáo phái có niềm tin tự phát, những người bấu víu vào chủ nghĩa này thường chia làm hai nhóm:

  • 1. Những Ki-tô hữu muốn pha loãng và bóp méo lời dạy của Chúa để tiện cho việc sống buông thả, không phải áy náy khi phạm tội và đảm bảo chắc chắn cho mình phần rỗi đời đời bất kể sống ra sao.
  • 2. Những Ki-tô hữu hoặc vì tôn kính con người, hoặc vì thiếu hiểu biết, muốn dễ dàng đối thoại hay được kính trọng bởi những người không cùng niềm tin tôn giáo. Những người này thực ra không biết rằng những ai vô tình không có cơ hội nhận biết Chúa Ki-tô vẫn có thể được cứu nhờ làm những việc lành theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần qua tiếng nói lương tâm (Giáo lý Công Giáo số 847).

Quan điểm của Giáo Hội

Về phía chúng ta, Giáo Hội Công Giáo đã lên án chủ nghĩa phổ quát lần đầu tiên tại Công đồng Constantinôpôli năm 543. Và trong cuốn Giáo lý Giáo Hội Công Giáo được ban hành năm 1992 dưới triều đại Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Hội Thánh nhắc lại những gì Chúa Giê-su đã tuyên phán trong Kinh Thánh:

"Chúa Giê-su thường nói về lửa không hề tắt của “hỏa ngục” (x. Mt 5,22.29; 13,42.50; Mc 9,43-48), dành cho những ai cho đến chết vẫn không tin và không chịu hối cải, ở đó cả linh hồn và thân xác có thể bị hư mất (x. Mt 10,28). Chúa Giê-su dùng những lời nghiêm khắc loan báo: “Con Người sẽ sai các Thiên thần của Người tập trung… mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa” (Mt 13,41-42), và chính Người sẽ công bố lời kết án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời!” (Mt 25,41). — Giáo lý số 1034"

Và khẳng định:

"Đạo lý của Hội Thánh khẳng định có hỏa ngục và tính vĩnh cửu của hỏa ngục. Linh hồn của những kẻ chết trong tình trạng tội lỗi, ngay sau khi chết, sẽ xuống chịu hình phạt hỏa ngục, chịu “lửa muôn đời.” Hình phạt chủ yếu của hỏa ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài con người mới có thể có sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng. — Giáo lý số 1035 "

Cho dù thực tế có một số ít nhân vật trong Giáo Hội vẫn hy vọng một ơn cứu độ dành cho mọi loài thụ tạo, điều này không ảnh hưởng tới tính đồng nhất chung về mặt giáo lý của chúng ta. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự đồng nhất đó đã và đang ít nhiều bị tác động bởi trào lưu tục hóa có quy mô toàn cầu cùng với sức ảnh hưởng không thể coi thường từ sự nảy nở không ngừng các bè lạc giáo và các giáo tự phát trong suốt 20 thế kỷ qua. Cha Frederick William Faber (1814-1863), một vị linh mục cải đạo từ Anh Giáo đã cảm nhận được sự mất niềm tin về hỏa ngục sẽ xâm nhập Giáo Hội. Ngài nói: “Sự chuẩn bị tồi tệ và nguy hiểm nhất cho sự xuất hiện của tên Phản Ki-tô chính là sự suy yếu niềm tin của con người vào hình phạt vĩnh cửu. Những lời cuối cùng mà tôi muốn nói với anh em, điều mà tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh hơn bất kỳ điều gì khác là: Bên cạnh ý nghĩ về bửu huyết cứu chuộc của Chúa Ki-tô, không có suy nghĩ nào quý giá và quan trọng hơn cho anh em là suy nghĩ về hình phạt vĩnh cửu”.

Trong những thập kỷ trở lại đây, chủ nghĩa phổ quát đang có dấu hiệu quay trở lại đâu đó qua một số tác phẩm của Tin lành chính thống (ví dụ Karl Barth) và Công Giáo (Hans Urs von Balthasar) mặc dù các tác giả thần học này nói về hy vọng hay khả năng xảy ra của nó hơn là khẳng định như một giáo lý chắc chắn. Cùng với đó, sự không rõ ràng, thiếu dứt khoát trong các tuyên bố hay câu trả lời của một số nhà lãnh đạo Giáo Hội vô tình trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xấu lợi dụng và phổ biến nó như thể một sự công nhận chính thức của Công Giáo về ơn cứu độ phổ quát. Điều đáng buồn là sau đó đã có những sự chia rẽ làm tổn thương cho Giáo Hội. Chúng ta nên nhớ rằng trong thời đại của truyền thông mạng xã hội ngày nay, người ta thường bị cuốn hút bởi những tiêu đề giật gân, dành một vài phút để ném đá mà không mấy khi bỏ thời gian để tìm hiểu tính xác thực của thông tin hay lời giải thích thỏa đáng. Trong bối cảnh như vậy, việc không dám nói thẳng về hỏa ngục vĩnh cửu hay ơn cứu độ phổ quát có khả năng khiến một số người lầm tưởng và vấp ngã.

Kết luận

Có lẽ không cần đến một mức độ hiểu biết đỉnh cao về giáo lý hay thần học, chúng ta cũng có thể dễ dàng, thậm chí ngay lập tức nhận ra tính vô lý và sai lầm trầm trọng của chủ nghĩa này. Cách đây ít năm, khi nói về chủ nghĩa phổ quát, cha Dwight Longenecker, một linh mục ở Nam Carolina, Hoa Kỳ nhận xét rằng:

Chủ nghĩa phổ quát là một lạc giáo bởi vì nó chỉ có một nửa sự thật. Chúa Ki-tô đã chết vì tất cả nhân loại và những người theo chủ nghĩa này chỉ nắm giữ phần đó của sự thật. Họ phủ nhận nửa kia của sự thật đầy đủ rằng không phải ai cũng sẽ chấp nhận ân sủng đó và vì vậy, một số người sẽ xuống hỏa ngục vì lựa chọn của chính mình.

Đó là một lạc giáo theo chủ nghĩa tình cảm vì nó không dựa trên suy nghĩ rõ ràng, lôgic hay thẩm quyền giảng dạy của Giáo Hội về giáo lý hay Kinh Thánh; cũng như không có sự hỗ trợ nào cho chủ nghĩa này trong đức tin Công Giáo. Thay vào đó, nó dựa trên mong muốn về một kết thúc tốt đẹp cho mọi người để không làm tổn thương cảm xúc của bất kỳ ai và một thứ tình cảm ủy mị rằng Thiên Chúa quá yêu thương nhân loại đến độ Ngài không để bất cứ ai phải sa hỏa ngục.

Những ảnh hưởng của chủ nghĩa phổ quát đối với Giáo Hội là rất ghê gớm. Nó không thực sự khó hiểu. Và mọi người cũng không phải ngớ ngẩn mà không nhận ra. Nếu tất cả mọi người sẽ được cứu, vậy thì tại sao phải đi nhà thờ? Nếu tất cả mọi người sẽ được cứu thì không có gì gọi là tội trọng. Nếu tất cả mọi người sẽ được cứu thì không cần truyền giáo, không cần phải cho người đói ăn, trở thành linh mục, xây dựng nhà thờ và trở thành một vị thánh làm gì cả.

Trong tất cả các nhánh của chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa phổ quát có lẽ là thứ ngấm ngầm, thâm độc nhất và phá hoại tất cả. Nó là một con sói đội lốt cừu. Nó được che đậy bởi sự ngọt ngào nhưng ẩn giấu bên dưới là chất độc.


Tài liệu tham khảo:

Do All People Go to Heaven? – Trent Horn – https://www.catholic.com/

Is the Concept of Universal Salvation a Heresy? – Father Charles Grondin – https://www.catholic.com/

Fr. Dwight Longenecker Addresses the Danger of Universalism – https://www.catholic.org/

Bình luận

BLOGGER
♰ Trang tin được dẫn trích từ nhiều nguồn tư liệu trên Internet dành riêng cho người Công Giáo, các Kitô hữu, và những ai mong muốn tìm hiểu Đức Tin Công Giáo một cách sâu sắc hơn – Để yêu mến Chúa Kitô và Mẹ Hội Thánh hơn.

Name

Abraham,1,Ăn Chay,1,Bảy Vị Thánh Ngủ,1,Bí tích,10,Calcutta,1,Catholic Community,2,Cầu Nguyện,4,Cầu Nguyện Liên Lỉ,1,Chia Sẻ,33,Chú Giải,1,Chúa Giê-Su,24,Cô Đơn,1,Công Giáo,42,Congregatio,1,Cuộc Khổ Nạn,2,Cựu Ước,3,Đám Cưới,2,Đền Thờ,1,Đền Tội,1,DHY Nguyễn Văn Thuận,1,Don Bosco Cần Giờ,1,Dòng Tu,1,Đức Giáo Hoàng,11,Đức Hồng Y,2,Đức Hồng Y George Pell,1,Đức Mẹ,7,Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp,2,Đức Mẹ Măng Đen,1,Đức Mẹ Maria,7,Đức Mẹ Nghèo Khó,1,Đức Ông Vincent Trần Ngọc Thụ,1,Đức Tin,3,Ebook Công Giáo,1,English Catholic,4,Gabriel,1,Gia Phả Chúa Giêsu,1,Giáo Hội,20,Giáo Huấn,1,Giáo Lý,8,Giuse Marchand Du,1,Hạnh Các Thánh,11,Hạt Mân Côi,3,Hình Ảnh Công Giáo,1,Hoả Ngục,1,Hỏi Đáp,14,Hỏi Đáp Công Giáo,35,Hỏi Đáp Tôn Giáo,8,I am Catholic,2,Kinh Cầu Nguyện,4,Kinh Thánh,25,Kinh Thánh Tân Ước,1,Lạc Giáo,2,Lễ Vọng,1,Linh Hồn,1,Lời Chúa Hàng Ngày,3,Lòng Thương Xót Chúa,1,Luyện Ngục,1,Luyện Tội,1,Ly Hôn,1,Ma Quỷ,1,Mái Ấm,1,Maria Madalena,1,Mẹ Teresa,1,Michael,1,Miriam,1,Môsê,1,Ngẫu Tượng,2,Nghịch Lý Tảng Đá,1,Nhà Thờ,3,Night Prayer,1,Nô Lệ,1,Ơn Gọi,1,Ordo,1,Padre Piô,2,Phongxiô Philatô,1,Problem of Evil,1,Probo Vaccarini,1,Radio,51,Radio Công Giáo,45,Raphael,1,Sách Công Giáo,3,Sách Khải Huyền,1,Sinh Nhật Đức Mẹ,1,Suy Niệm,1,Tên Thánh,1,Thần Học,1,Thần Khúc Dante,1,Thánh Biển Đức Viện Phụ,1,Thánh Đa Minh,1,Thánh Giá,3,Thánh Giuse,2,Thánh Lễ,7,Thánh Luca,2,Thánh Mát-thêu,1,Thánh Phao-lô,1,Thánh Phê-rô,1,Thánh Tích,1,Thánh Tử Đạo Việt Nam,1,Thập Tự Chinh,1,Thiên Chúa,14,Thiên Đàng,1,Thiền Siêu Việt,2,Thiên Thần,3,Thiền TM,1,Tìm Hiểu,31,Tin Lành,1,Tin Mừng,6,Tổ Nghề,1,Tông Đồ,4,Tử Đạo,1,Vatican,4,Vụ án Galileo Galile,2,Xưng Tội,2,Yoga,1,
ltr
item
✞ CATHOLIC VIETNAM : Chủ Nghĩa Phổ Quát: Có Phải Mọi Người Đều Sẽ Được Lên Thiên Đàng?
Chủ Nghĩa Phổ Quát: Có Phải Mọi Người Đều Sẽ Được Lên Thiên Đàng?
https://augustino.net/wp-content/uploads/2020/07/Chu-nghia-pho-quat.jpg
✞ CATHOLIC VIETNAM
https://www.catholic.com.vn/2021/08/chu-nghia-pho-quat-moi-nguoi-len-thien-dang.html
https://www.catholic.com.vn/
https://www.catholic.com.vn/
https://www.catholic.com.vn/2021/08/chu-nghia-pho-quat-moi-nguoi-len-thien-dang.html
true
1702303097171369883
UTF-8
Đã tải tất cả các bài đăng Không tìm thấy bất kỳ bài viết nào Xem tất cả Xem thêm Phản hồi Dừng phản hồi Xoá Bởi Trang chủ Trang Bài viết Xem tất cả GỢI Ý CHO BẠN Từ khoá Lưu trữ Tìm kiếm Tất cả bài viết Không tìm thấy bất kỳ bài đăng nào phù hợp với yêu cầu của bạn Quay lại Trang chủ Chủ nhật Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 Thứ 7 Chủ nhật Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 Thứ 7 Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 vừa rồi 1 phút trước $$1$$ trước 1 giờ trước $$1$$ giờ trước Hôm qua $$1$$ ngày trước $$1$$ tuần trước hơn 5 tuần trước Những người theo dõi Theo dõi Nội dung bản quyền được che lại, để xem vui lòng làm theo hai bước hướng dẫn dưới đây: Bước 1: Chia sẻ trên Facebook hoặc Twitter Bước 2: Nhấp vào link mà bạn mới mới chia sẻ trên trang cá nhân. Copy tất cả mã Chọn tất cả mã Tất cả các mã đã được sao chép vào khay nhớ tạm của bạn Không thể sao chép mã / văn bản, vui lòng nhấn [CTRL] + [C] (hoặc CMD + C với Mac) để sao chép Mục lục