Hỏi: Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 11,2-3), khi đang ngồi tù, ông Gio-an đã sai các môn đệ đến hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Th...
Hỏi: Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 11,2-3), khi đang ngồi tù, ông Gio-an đã sai các môn đệ đến hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (Lc 7,18-23) cũng kể lại câu chuyện tương tự.
Gio-an Tẩy Giả chính là người đã giới thiệu Chúa Giê-su với dân chúng. Khi Đức Ma-ri-a đến viếng thăm bà Ê-li-sa-bét (Lc 1,44), Gio-an nhảy lên vui mừng trong bụng mẹ. Khi làm phép rửa cho Chúa tại sông Gio-đan, ông còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” Hôm sau, khi thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ của ông, trong đó có ông An-rê, khi nghe nói như vậy, liền đi theo Đức Giê-su (Ga 1,32-37).
Vậy, khi sai các môn đệ đến hỏi Đức Giê-su, có phải Gio-an Tẩy Giả hoài nghi về thân phận của Người không?
Trả lời: Gio-an Tẩy Giả không hoài nghi về Chúa Giê-su nhưng có lẽ ông làm như vậy để chỉ cho các môn đệ của mình biết ai là người mà họ nên theo sau khi ông chết. Nói cách khác, ông tạo ra dịp để họ củng cố niềm tin rằng Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a, đồng thời giúp dân Do-thái thời bấy giờ có được câu trả lời cho những hoài nghi của họ về Người.
Các Ki-tô hữu chúng ta ngày nay biết rằng ông Gio-an là vị sứ giả mà Thiên Chúa sai đi dọn đường cho Chúa Giê-su nhưng không phải tất các các Ki-tô hữu trong thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên đều hiểu được như vậy. Thực tế là Gio-an Tẩy Giả đã được đông đảo dân chúng biết đến từ trước khi Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ của Ngài. Trong cuốn Chú giải Kinh Thánh Giê-rô-ni-mô ấn bản mới, cha Benedict Viviano, Dòng Đa-minh cho biết rằng trình thuật Mt 11,2-6 cũng chính là đề tài tranh luận giữa môn đệ ông Gio-an và các Ki-tô hữu sau biến cố Phục Sinh về bản chất sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su.
Nhiều người Do-thái thời bấy giờ hình dung về Đấng Mê-si-a hoàn toàn khác với những gì họ thấy nơi Chúa Giê-su. Tin Mừng Mát-thêu, vốn luôn chú trọng việc chứng minh Chúa Giê-su là Đấng hoàn tất Cựu Ước, đã ngầm liên kết trình thuật Mt 11,5 với các đoạn nói về Đấng Mê-si-a trong Sách Ngôn sứ I-sai-a (Is 26,19; 29,18-19; 35,5-6; 61,1). Qua đó, các độc giả Do-thái có thể nhận biết Chúa Giê-su là Đấng họ mong chờ.
Hành động của Gio-an Tẩy Giả giúp các môn đệ của ông được củng cố đức tin khi để họ nghe câu trả lời từ chính Chúa Giê-su. Tin Mừng Mát-thêu cũng giúp chúng ta củng cố đức tin như vậy.
Bình luận