“ Đồ ghê tởm khốc hại ” là một thuật ngữ được nhắc đến nhiều lần trong cả Kinh Thánh Cựu Ước và Kinh Thánh Tân Ước dường như để chỉ một ...
“Đồ ghê tởm khốc hại” là một thuật ngữ được nhắc đến nhiều lần trong cả Kinh Thánh Cựu Ước và Kinh Thánh Tân Ước dường như để chỉ một thứ gì đó quái gở hay điềm báo cho một thời kỳ tai họa. Ý nghĩa của thuật ngữ này gây ra sự tò mò, khó hiểu cho không ít người chúng ta. Vậy bản chất của nó là gì, nó có thực sự là khái niệm mới mẻ, lạ lẫm hay huyền bí không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này.
Hình minh họa: Quân La Mã phá hủy Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, năm 70 SCN. (Nguồn: Wikipedia)
Sự xuất hiện trong Kinh Thánh
Sách Ngôn Sứ Đa-ni-en:
Nội một tuần, nó sẽ củng cố minh ước với số người đông đảo. Trong nửa tuần, nó bắt phải ngưng hy lễ và hiến lễ, nó đặt bên cánh Đền Thờ đồ ghê tởm khốc hại cho đến khi lệnh tiêu huỷ đã được quyết định giáng xuống kẻ tàn phá.” (Đn 9,27)
Xem thêm: Đn 11,31; Đn 12,11; 1 Mcb 1,54
Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu:
“Vậy, khi anh em thấy đặt trong nơi thánh Đồ Ghê Tởm Khốc Hại mà ngôn sứ Đa-ni-en đã nói đến người đọc hãy lo mà hiểu! thì bấy giờ ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi, ai ở trên sân thượng thì đừng xuống lấy đồ đạc trong nhà, ai ở ngoài đồng, đừng trở lại phía sau lấy áo choàng của mình. (Mt 24,15-18)
Xem thêm: Mc 13,14-16
Ý nghĩa tên gọi trong Cựu Ước
Đối với Do-thái Giáo thời Cựu Ước, từ “ghê tởm” thường được dùng để chỉ những đồ vật, sự việc hay hành động xấu của con người phạm đến lề luật như: quả cân gian lận trong buôn bán, thức ăn ô uế, sự không trung thực, hành vi ăn cắp, giết người, ngoại tình, loạn luân,… được tìm thấy nhiều trong các sách Lê-vi, Đệ Nhị Luật, Châm Ngôn và Ê-dê-ki-en.
Từ “đồ ghê tởm khốc hại” cũng nhằm chỉ những thứ “ghê tởm” như vậy nhưng ở mức độ cao hơn cả. Đó là những ngẫu tượng thần ngoại giáo. Việc tôn thờ chúng phạm tới giới răn trọng nhất của lề luật là chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa. Trong 2 V 23, những thần và ngẫu tượng như thế được liệt kê với danh sách khá dài: thần Ba-an, thần A-sê-ra, thần dê, thần Mô-léc, thần Át-tô-rét của dân Xi-đôn, thần Cơ-mốt của dân Mô-áp, thần Min-côm của dân Am-mon,…
Những tượng thần này và sự tôn thờ chúng đến với người Do-thái bằng nhiều lý do khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan.
Chúng ta biết rằng, trong lịch sử, họ nhiều lần bị xâm lược bởi các dân tộc xung quanh. Sau những cuộc chiến tranh như vậy, Đền Thờ của họ bị các vua dân ngoại chiếm đóng hay phá hủy. Để đồng hóa dân chúng, các vua này thường cho du nhập ngoại giáo và bắt dân phải theo bằng cách cấm đạo Do-thái, cướp đoạt đồ tế tự và dựng các ngẫu tượng trong Đền Thờ. Ví dụ khi vua xứ Ba-by-lon là Na-cu-bô-đô-nô-xo chiếm được Giê-ru-sa-lem, vua này đem tất cả đồ dùng nhà Chúa về Đền Thờ các thần của ông ta ở xứ Sin-a và bỏ vào nhà kho của các thần (Đn 1,1-2) và sau đó, dựng một pho tượng vàng bắt dân thờ lạy (Đn 3,1-7).
Trường hợp tương tự đưa đến sự tôn thờ ngẫu tượng là các dân từ nơi lưu đày trở về Ít-ra-en mang theo văn hóa, tín ngưỡng của dân ngoại (Er 9). Ngoài ra, một số vua Do-thái lấy vợ dân ngoại và theo thời gian, họ cho phép hoặc thậm chí học theo kiểu thờ tượng thần (vua Sa-lô-môn 1 V 11 hay vua A-kháp 1 V 16).
Lời tiên tri từ thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en
Ngôn sứ Đa-ni-en là một người Do-thái xứ Giu-đa bị vua Na-cu-bô-đô-nô-xo (Nebuchadnezzar II) bắt đi lưu đày ở Ba-by-lon sau khi Giu-đa bị chiếm đóng (khoảng năm 605 TCN). Ông là người được Chúa ban cho ơn khôn ngoan, hiểu biết, tài giải mộng và được thấy các thị kiến về tương lai. Trong một số thị kiến như vậy, Thiên Chúa thông qua thiên sứ Gáp-ri-en đã cho ông biết những tai họa sẽ xảy đến với con cái Ít-ra-en. Chính trong các đoạn văn Kinh Thánh này, thuật ngữ “đồ ghê tởm khốc hại” được nhắc đến như đã nói ở trên.
Lịch sử sau đó đã ứng nghiệm thị kiến của ông vào khoảng năm 167 TCN khi vua Hy-lạp là An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê (Antiochus IV) chiếm được Giê-ru-sa-lem. Sau khi tiến quân vào thành, vua này đã khởi sự những cuộc chém giết vô cùng tàn bạo.
Nghe biết các biến cố ấy, vua An-ti-ô-khô kết luận là xứ Giu-đê đã phản nghịch. Bởi thế vua rời Ai-cập, lòng đầy căm phẫn, dùng bạo lực đánh chiếm thành Giê-ru-sa-lem. Rồi vua truyền cho binh sĩ hễ gặp ai là cứ thẳng tay tàn sát, và cắt cổ những ai trốn lên mái nhà. Trẻ già đều vong mạng, đàn ông, đàn bà, con nít đều bị giết; thiếu nữ lẫn hài nhi bị cắt cổ. Chỉ ba ngày thôi mà tám mươi ngàn người đã bị diệt vong: bốn mươi ngàn phải chết, số còn lại bị đem bán làm nô lệ. (2 Mcb 5,11-14)
Để củng cố quyền lực và đồng hóa dân chúng, An-ti-ô-khô tìm cách cấm đạo: Ít lâu sau, vua sai một trưởng lão người A-thê-na đến bắt người Do-thái phải từ bỏ những luật pháp của cha ông, không được sống theo luật Thiên Chúa. (2 Mcb 6,1)
Tiếp thêm những tội ác của mình, sau khi chiếm được Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, An-ti-ô-khô cướp bóc mọi vật dụng, tài sản và dựng ở đó một tượng thần Dớt Ô-lim-pi-ô (Zeus núi Olympia) của người Hy-lạp rồi bắt dân Do-thái phải thờ lạy tượng đó. Không chỉ vậy, vua còn dâng cúng thịt heo lên bàn thờ, dùng hành lang thánh thiêng làm nơi đú đởn với bọn gái điếm và giở đủ trò đồi bại khác. (2 Mcb 6,2-4)
Chính trong Sách Ma-ca-bê 1, pho tượng kể trên được gọi là “đồ ghê tởm khốc hại”. (1 Mcb 1,54)
Với sự cai trị tàn ác, bạo ngược ấy, An-ti-ô-khô được coi như kẻ “phản Ki-tô” của thời kỳ Cựu Ước.
Hàm ý trong Tân Ước
Trong các trích đoạn Tin Mừng nêu ra ở đầu bài, một lần nữa, ta thấy Chúa Giê-su nhắc tới cụm từ “đồ ghê tởm khốc hại” khi Người tiên báo cho các môn đệ về thời kỳ Giê-ru-sa-lem chịu tai họa (tương lai gần) và ngày Người quang lâm (tương lai xa) bên cạnh hàng loạt những dấu hiệu như: tội ác gia tăng, chiến tranh, bệnh dịch xảy ra, những ngôn sứ giả và Ki-tô giả xuất hiện để lừa gạt,…
Đã có không ít học giả trong và ngoài Giáo Hội đưa ra những lời giải thích khác nhau cho cụm từ này. Sau đây, chúng tôi xin trích dịch một số quan điểm được nêu trong cuốn Chú giải Tin Mừng Mát-thêu của Thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-1274):
– Thánh Augustinô (354-430) đồng ý với trình thuật trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca: Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. (Lc 21,20)
– Một tác phẩm được cho là của Thánh Gio-an Kim Khẩu (347-407) cũng có chung quan điểm: “Tôi nghĩ rằng Đồ Ghê Tởm Khốc Hại mà Ngài nói tới nghĩa là đạo binh tấn công, hủy diệt Giê-ru-sa-lem.”
– Thánh Giê-rô-ni-mô (347-420) thì cho rằng: “Nó có thể được hiểu là bức tượng của Xê-da mà Phi-la-tô cho dựng lên trong Đền Thờ hoặc bức tượng Ađrianô cưỡi ngựa được đặt trong thánh điện. Trong Cựu Ước, một tượng thần được gọi là “ghê tởm khốc hại” vì nó làm cho Đền Thờ ra ô uế.”
Như vậy, ta hiểu hàm ý của Chúa Giê-su khi nhắc tới “đồ ghê tởm khốc hại” trong bối cảnh thời bấy giờ là các đạo binh xâm lược và các ngẫu tượng của họ. Cụ thể là quân đội và các tượng thần La Mã. Ta biết rằng người La Mã thời ấy theo tôn giáo đa thần. Thần cao nhất của họ là Jupiter, tương đương thần Zeus của người Hy-lạp. Họ cũng có thói quen tạc tượng các hoàng đế để tôn thờ.
Lịch sử ứng nghiệm lời Chúa Giê-su
Lần thứ nhất suýt thành hiên thực là khoảng năm 40 SCN, thời Caligula làm hoàng đế La Mã. Ông vua này khét tiếng tàn bạo và ngông cuồng. Ông ta thường xuất hiện trước công chúng và khăng khăng rằng mình là một vị thần. Vì vậy, khi hay biết chuyện trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem không có tượng thần hay hình ảnh nào. Caligula liền có ý định đặt tượng mình vào đó để bắt dân thờ lạy, bất chấp sự can ngăn của các quan triều đình La Mã vì họ lo ngại sẽ gây ra những cuộc chiến đẫm máu bởi lý do tôn giáo. Tuy nhiên, trước khi thực hiện được toan tính đó, Caligula bị ám sát trong một âm mưu của viện nguyên lão La Mã vào năm 41 SCN.
Lần thứ hai cũng là lần ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa là vào năm 70 SCN. Đạo quân của Ti-tô (người sau này trở thành hoàng đế La Mã) đã tấn công Giê-ru-sa-lem bằng cách tiến hành một cuộc vây hãm chỉ vài ngày trước Lễ Vượt Qua. Nguyên nhân là vào năm 66 SCN, phe nổi dậy Giu-đê (Nhóm Quá Khích) đã chiếm được thành này sau một cuộc bạo loạn.
Hình minh họa: Lính La Mã mang đồ tế tự trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem về Rô-ma làm chiến lợi phẩm
Khi thấy quân đội La Mã tấn công, thay vì bỏ chạy khỏi Giu-đê, trốn đi nơi khác như Chúa Giê-su chỉ cho các môn đệ, dân chúng lại lũ lượt chạy vào thành, số này bao gồm cả ngoại kiều Do-thái về ăn mừng Lễ Vượt Qua. Bên ngoài thì bị vây hãm, bên trong các phe phái đánh giết lẫn nhau tranh giành quyền lực, lương ăn thức uống cạn kiệt dần. Kết quả là sau gần 7 tháng, Giê-ru-sa-lem thất thủ. Quân La Mã tràn vào chém giết không thương tiếc. Hoàng đế La Mã còn ra lệnh phá hủy toàn bộ thành phố và Đền Thờ, chỉ giữ lại một ít công trình để làm nơi đồn trú. Theo sử gia Do-thái thời ấy là Josephus, cuộc vây hãm kết thúc với khoảng 1,1 triệu người Do-thái chết vì gươm giáo và chết vì đói, 97 ngàn người bị bắt làm nô lệ, làm đấu sĩ mua vui cho đấu trường La Mã. Giê-ru-sa-lem gần như thành bình địa, đồ tế tự bị đem về Rô-ma làm chiến lợi phẩm. Quả là một trang sử đau thương và tang tóc cho dân tộc này.
Ý nghĩa đối với các Ki-tô hữu ngày nay
Ta biết rằng những lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ không chỉ nhắm tới tương lai gần như những biến cố đã nêu trên mà Người còn nhắn nhủ đến Ki-tô hữu mọi thời đại bởi tai họa có thể xảy ra bất cứ khi nào và sẽ tất đến trong thời tận thế.
Với tinh thần “phải tỉnh thức” và bằng những kinh nghiệm lịch sử, chúng ta cần sáng suốt nhận ra những biểu hiện “ngoại giáo”. Những điều dễ thấy ngày nay là tinh thần thế tục và các trào lưu lạc giáo. Chúng làm sói mòn đức tin, đức cậy, đức mến nơi người tín hữu, làm biến tướng và hạ thấp những giá trị thiêng liêng, gây ra những chia rẽ sâu sắc và tệ hại hơn là đưa tới sự bội giáo, lạc giáo hay ly giáo.
Chúng ta hãy cùng cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta, để ngài soi sáng, tiếp thêm sức mạnh để chúng ta bền lòng sắt chí trước những khó khăn thử thách, giữ vững đức tin, đức cậy, đức mến và tỉnh táo trước những cám dỗ, lừa gạt của thời đại.
Bình luận