Hỏi: Tại sao khi rước lễ, ngoại trừ những dịp đặc biệt, giáo dân thường không được uống Rượu từ chén thánh? Điều này có ảnh hưởng tới tí...
Hỏi: Tại sao khi rước lễ, ngoại trừ những dịp đặc biệt, giáo dân thường không được uống Rượu từ chén thánh? Điều này có ảnh hưởng tới tính hiệu quả của bí tích Thánh Thể không?
Trả lời: Bởi vì Giáo Hội không bắt buộc các tín hữu phải rước cả hai hình Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể mặc dù nó giúp bí tích này đầy đủ hơn về mặt hình thức. Việc rước chỉ một trong hai hình hoàn toàn không ảnh hưởng tới tính hiệu quả và mức độ trọn vẹn của bí tích.
Cơ sở Kinh Thánh
Trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an, Chúa Giê-su nói rằng:
Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống(Ga 6,54-55).
Nhưng trước đó, Người cũng khẳng định:
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống (Ga 6,51).
Như vậy, qua lời dạy của Chúa Giê-su, chúng ta hiểu rằng việc chỉ rước Mình Thánh Chúa là đủ để bí tích Thánh Thể trở nên trọn vẹn và đem lại hiệu quả cho sự sống đời đời.
Giáo lý và truyền thống Giáo Hội
Trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo được ban hành năm 1992 dưới triều đại Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Hội Thánh khẳng định:
Vì Đức Ki-tô hiện diện cách bí tích dưới mỗi hình dạng, nên việc rước lễ dưới hình bánh mà thôi vẫn nhận được trọn vẹn hiệu quả ân sủng của bí tích Thánh Thể. Vì các lý do mục vụ, cách rước lễ này đã được quy định cách hợp pháp trong nghi lễ La-tinh, như là hình thức thông thường nhất. Nhưng “dấu chỉ của việc rước lễ được đầy đủ hơn khi được trao ban dưới hai hình dạng. Vì theo cách này, dấu chỉ của bàn tiệc Thánh Thể trở nên rõ nét hơn.” Đây là cách rước lễ thông thường trong các nghi lễ Đông phương. — Giáo lý số 1390
Về mặt truyền thống, trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, việc rước lễ bao gồm cả hai hình trong bí tích Thánh Thể đã được xem là một tiêu chuẩn quen thuộc trong cử hành phụng vụ của Giáo Hội. Nhưng từ cuối thế kỷ XI, việc cho giáo dân chỉ rước Mình Thánh Chúa bắt đầu xuất hiện phổ biến và được ghi nhận trong tác phẩm của một số nhà thần học đường thời, chẳng hạn như Peter Cantor (?-1197).
Nhằm dập tắt những tranh cãi không đáng có và tránh quan điểm sai lầm khi áp đặt giáo dân phải rước cả Bánh và Rượu, tại Công đồng Constance năm 1415, Giáo Hội quy định không cho giáo dân rước Máu Thánh Chúa, đồng thời bác bỏ quan điểm của Jan Hus (1372-1415) và Jerome of Praha (1379-1416) khi họ cho rằng việc rước lễ như vậy làm cho bí tích ra vô hiệu. Tuy nhiên, ở một số nơi, đặc biệt là ở Phương Đông, việc cho giáo dân rước lễ theo cách truyền thống cũ vẫn được duy trì.
Tới Công đồng Trentô (1545-1563), tại phiên họp XXI năm 1562, Giáo Hội một lần nữa khẳng định việc chỉ rước Mình Thánh Chúa không ảnh hưởng tới ân sủng của người lãnh nhận nhưng chưa quyết định rõ ràng có khôi phục lại hình thức rước cả hai hình hay không, dù nói rằng điều này là không bắt buộc.
Đến Công đồng Vaticanô II (1962-1965), trong điểm 55, Hiến chế về phụng vụ thánh ban hành năm 1963, Giáo Hội tuyên bố rằng: “Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh lễ cách toàn hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong cùng một hy lễ đó. Dù vẫn duy trì các nguyên tắc tín lý do Công đồng Trentô quy định, nhưng có thể cho rước lễ dưới hai hình tùy theo phán đoán của các Giám mục, chiếu theo những trường hợp được Tông tòa minh định, không những cho giáo sĩ, tu sĩ mà cả giáo dân nữa, chẳng hạn cho các tiến chức trong Thánh lễ phong chức, những người tuyên khấn trong Thánh lễ khấn dòng, và các tân tòng trong Thánh lễ tiếp diễn sau lễ Rửa Tội của họ.”
Những vấn đề thực tế
Bên cạnh những lý do thần học hay giáo lý đã được đề cập trong Giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta cũng có thể nhận thấy một số vấn đề thực tế đáng lo ngại nếu bắt buộc giáo dân phải rước Máu Thánh Chúa. Ví dụ:
- Có thể xảy ra sự cố làm đổ hoặc ô uế Rượu khi vấp ngã, ho,… trong lúc rước lễ.
- Gây hiểu lầm rằng sự hiện diện thực sự của Chúa Ki-tô cần phải có đủ hai hình.
- Gây mất vệ sinh khi quá nhiều người sử dụng chung chén thánh do: son môi, nước bọt,…
- Gây mất an toàn cho cộng đoàn khi có ai đó mắc phải các căn bệnh dễ lây truyền.
- Gây ảnh hưởng tới sức khỏe của một số giáo dân (Có những căn bệnh hoặc thuốc điều trị phải tránh dùng với rượu).
- Không thể cung cấp đủ rượu nếu có quá nhiều giáo dân lên rước lễ.
Bình luận