$type=ticker$count=12$cols=4$cate=0

Giáo Phụ Là Ai?

Chia sẻ bài viết này:

Giáo phụ   là tên gọi mà Giáo Hội Công Giáo dành cho một số vị Giáo Hoàng, Giám mục, linh mục, tu sĩ, nhà thần học và học giả có tầm ảnh hưở...

Giáo phụ là tên gọi mà Giáo Hội Công Giáo dành cho một số vị Giáo Hoàng, Giám mục, linh mục, tu sĩ, nhà thần học và học giả có tầm ảnh hưởng lớn trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai. Các tác phẩm của họ đã giải thích các nguyên tắc Kinh Thánh, các vấn đề về đức tin, giáo lý và thần học căn bản của Ki-tô Giáo. Họ có thể được hoặc không được phong thánh và không phải là không thể sai lầm. Nhưng họ có kỹ năng truyền đạt mạnh mẽ, sự thánh thiện và giáo lý của họ được coi là chính thống; vì thế, chúng ta tôn vinh họ một cách không chính thức là các “Giáo phụ” hay “những người cha trong Giáo Hội”.

Các Giáo phụ thường được chia thành năm nhóm dựa trên thời gian hoạt động và nơi sống của họ, đó là: Giáo phụ Tông đồ, Giáo phụ Hy-lạp, Giáo phụ La-tinh, Giáo phụ Xy-ri và Giáo phụ Sa mạc.

Thời đại các Giáo phụ kết thúc vào năm 749 sau khi Thánh Gio-an thành Đa-mát qua đời.

Giáo phụ

Hình vẽ: Thánh Cơ-lê-men-tê I, Thánh Augustinô và Thánh An-tôn Cả

1. Giáo phụ Tông đồ

Các Giáo phụ Tông đồ đã sống và viết vào nửa cuối thế kỷ thứ nhất và nửa đầu thế kỷ thứ hai. Họ được các Tông đồ của Chúa Giê-su giảng dạy và cũng là những người chứng kiến ​​sự ra đời của Giáo Hội. Hầu hết họ đều chịu tử đạo – bị đóng đinh, chặt đầu, làm mồi cho sư tử ở đấu trường La Mã, quẳng vào vạc dầu sôi hoặc bị thiêu sống. Họ được Chúa Thánh Thần trao cho thẩm quyền và là những người đích thân truyền dạy giáo huấn bằng miệng của Chúa Giê-su trước khi các sách Tân Ước được thu thập và tổng hợp lại vào cuối thế kỷ thứ 4. Một số Giáo phụ tiêu biểu của thời kỳ này là:

Thánh Cơ-lê-men-tê I (35-99) – Giáo Hoàng, tử đạo

Trong Tân Ước, Thánh Cơ-lê-men-tê I được Thánh Phao-lô Tông Đồ nhắc đến trong Thư gửi tín hữu Phi-líp-phê (Pl 4,3). Ông được coi là Giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội và là Giám mục Rô-ma từ năm 88 cho tới khi qua đời. Trước khi chịu tử đạo tại Hy-lạp vào năm 99, ông đã viết một thư tín kêu gọi các Ki-tô hữu ở Cô-rin-tô duy trì sự hài hòa và trật tự trong cộng đoàn. Bức thư của ông đã được sao chép và được đọc cho các tín hữu một cách rộng rãi trong Giáo Hội sơ khai. Đó là thư tín Ki-tô Giáo được coi là sớm nhất ngoài Tân Ước.

Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a (?-107) – Giám mục, tử đạo

Ông là giám mục thứ ba của An-ti-ô-khi-a và là một môn đệ của Thánh Gio-an Tông Đồ. Ông cũng đã gặp Thánh Phê-rô trước khi ngài đến Rô-ma. Theo truyền thống, ông là một trong số các trẻ em được Chúa Giê-su chúc lành trong trình thuật Mt 19,13. Trên đường đến nơi chịu tử đạo ở Rô-ma, nơi ông bị sư tử nuốt chửng trong đấu trường La Mã, Thánh I-nha-xi-ô đã viết một loạt thư tín mà chúng ta vẫn còn lưu giữ cho tới ngày nay. Những lá thư được viết vội vàng của ông nói về nhiều chủ đề: giáo hội, bí tích, thẩm quyền của các giám mục và ngày sa-bát. Ông nhấn mạnh giá trị của Bí tích Thánh Thể và là người đặt ra thuật ngữ “Giáo Hội Công Giáo”.

Thánh Pôlycapô thành Xi-miếc-na (69-155/156) – Giám mục, tử đạo

Ông là môn đệ của Thánh Gio-an Tông Đồ, được cải đạo năm 80 và trở thành Giám mục của Xi-miếc-na (ngày nay thuộc thành phố Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ) từ năm 96. Là một người bảo vệ đức tin mạnh mẽ, Thánh Pôlycapô được biết đến nhiều nhất với sự tử đạo phi thường của ông. Vào khoảng năm 155, ông bị bắt và bị kéo đến đấu trường để thiêu sống vì không chịu bỏ đạo và tỏ lòng tôn kính với hoàng đế. Nhiều nhân chứng thuật lại rằng ngọn lửa bốc lên đã tạo thành một cái vòm bao quanh ông như thể một cánh buồm căng gió. Thân thể ông không giống như thịt bị cháy xém mà giống như bánh mỳ được nướng lên hay vàng bạc phát sáng trong lò nung và có một mùi thơm ngào ngạt tựa nhũ hương và gia vị quý tỏa ra xung quanh. Căm giận và mất kiên nhẫn vì ngọn lửa không đốt cháy được cơ thể ông, viên tỉnh trưởng ra lệnh cho tên đao phủ tới đâm ông bằng một con dao găm, chính lúc ấy, một cánh chim bồ câu xuất hiện và lượng máu lớn chảy ra từ vị tử đạo đã dập tắt ngọn lửa.

Thánh Papias thành Hi-ê-ra-pô-li (?) – Giám mục

Có rất ít thông tin về cuộc đời của ông. Theo Thánh I-rê-nê thì ông là một thính giả của Thánh Gio-an Tông Đồ và là bạn đồng hành với Thánh Pôlycapô. Theo học giả Êu-sê-bi-ô thành Xê-da-rê, Thánh Papias đã làm Giám mục của Hi-ê-ra-pô-li (nay thuộc Thổ nhĩ Kỳ) cùng thời với thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a. Các tác phẩm của ông hầu hết đã bị hỏng hoặc thất lạc. Các tác phẩm này tập trung vào việc chú giải Lời Chúa, sự hình thành các sách Phúc Âm và một vài dữ kiện liên quan hay cái chết của một số nhân vật trong Tin Mừng,…

2. Giáo phụ Hy-lạp

Giáo phụ Hy-lạp là những người đã viết các tác phẩm của mình bằng tiếng Hy-lạp. Sau đây là các gương mặt nổi bật:

Thánh Giustinô (100-165) – Tử đạo

Sinh ra trong một gia đình lương dân, ông đã cải đạo và trở thành một Nhà hộ giáo Ki-tô Giáo của Giáo Hội sơ khai. Ông cũng được coi là người đầu tiên giải thích về Ngôi Lời. Cùng với các môn đệ, Thánh Giustinô chịu tử đạo vào năm 165. Các tác phẩm của ông hầu hết bị thất lạc và chỉ còn sót lại một số tác phẩm, trong đó nổi bật nhất là hai cuốn Hộ giáo và cuốn Đối thoại với Trypho. Trong các tác phẩm của mình, thánh nhân say mê bênh vực đời sống của các Ki-tô hữu dựa trên các quan điểm đạo đức, triết học và thuyết phục hoàng đế La Mã An-tô-ni-ô Pi-ô (86-161) ngừng các cuộc bách hại nhắm vào Giáo Hội. Ngoài ra, như Thánh Augustinô, ông đưa ra quan điểm thiện chí về các tôn giáo đích thực có trước Ki-tô Giáo, coi đó là sự biểu lộ của Ngôi Lời trước biến cố Chúa Giê-su nhập thể và là các hạt giống của Ki-tô Giáo. Từ đó, các nhà triết học như Xô-cơ-rát, Platô có thể được coi là các Ki-tô hữu được rửa tội bằng ước muốn dù họ không có cơ hội biết Chúa Ki-tô.

Thánh I-rê-nê thành Lyon (130-202) – Giám mục

Không có nhiều thông tin về cuộc đời của ông. Chúng ta biết rằng ông là Giám mục của Gaul (nay là Lyons, Pháp), một trong những Nhà hộ giáo Công Giáo đầu tiên và là môn đệ của Thánh Pôlycapô. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Chống lạc giáo (hoàn thành khoảng năm 180) đã liệt kê và công kích các giáo lý sai lạc trong thời kỳ đầu của Giáo Hội. Ông chính là người đề xuất tính kinh điển cho các Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an.

Thánh Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a (150-215) – Giám mục

Sinh ra trong một gia đình lương dân Hy-lạp, ông được cải đạo bởi thầy dạy của mình là Pantaenus (?-200), người đứng đầu trường giáo lý A-lê-xan-ri-a. Kế tục Pantaenus, Thánh Cơ-lê-men-tê được biết đến là một trong những thầy dạy nổi tiếng nhất của Giáo Hội tại A-lê-xan-ri-a và là người nhiệt thành chống lại các giáo lý của phái Ngộ đạo. Ông đã hợp nhất các truyền thống triết học Hy-lạp với học thuyết Ki-tô Giáo và là tác giả của Người giàu nào sẽ được cứu?  Lời thúc giục gửi tới người ngoại đạo. Theo Thánh Cơ-lê-men-tê, các tư tưởng triết học Hy-lạp là một sự chuẩn bị cho Tin Mừng và dọn đường cho Ki-tô Giáo giống như luật Mô-sê đối với người Do-thái và đều hướng về Ngôi Lời.

Học giả Ô-ri-gê-nê thành A-lê-xan-ri-a (185-254)

Ông sinh ra trong một gia đình theo Ki-tô Giáo và là con của một vị tử đạo. Năm 17 tuổi, sau khi cha bị xử tử và gia đình bị chính quyền tịch thu tài sản, Ô-ri-gê-nê rất vất vả để nuôi sống bản thân, mẹ và sáu người em trai. Theo học giả Êu-sê-bi-ô, ông là học trò của Thánh Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xa-ri-a, người đứng đầu trường dạy Giáo lý dưới quyền Giám mục Đê-mết-ri-ô (127-224/232). Ô-ri-gê-nê được mô tả là một người chăm học, không vụ lợi, khắc khổ và thanh khiết, hăng hái và nhiệt thành tới mức đôi khi dại dột. Ngoài các vấn đề đức tin, ông cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các trường phát triết học Ai-cập và Hy-lạp. Nhờ kiến thức uyên bác và khả năng giảng dạy xuất sắc, ông đã cứu được một số người khỏi thuyết Ngộ đạo, được mời tới nhiều nơi giảng dạy ngay khi còn là giáo dân, thậm chí bởi các Giám mục. Điều này khiến Giám mục Đê-mết-ri-ô không hài lòng, đặc biệt là khi Ô-ri-gê-nê được phong chức linh mục tại Xê-da rê xứ Pa-lét-ti-na mà không có sự cho phép của ông. Sự bất đồng này cuối cùng cũng đi tới kết thúc mà kết quả là, để nhượng bộ, Ô-ri-gê-nê chấp nhận bị huyền chức linh mục, trục xuất khỏi A-lê-xan-ri-a và lánh sang Ai-cập vào năm 231. Năm 232, ông chuyển tới Xê-da-rê ở Pa-lét-ti-na, được giúp đỡ xây dựng trường học và thu hút được nhiều học trò ở đó. Ông dành nhiều thời gian để tiếp tục biên soạn các tác phẩm về thần học, chú giải Kinh Thánh,… Vào năm 250, dưới cuộc bách hại Ki-tô hữu của hoàng đế La Mã Đi-xi-ô (201-251), ông bị bắt giam và tra tấn dã man nhưng vẫn một mực giữ vững đức tin. Trong ngục, ông đã viết một số thư tín mang đậm tinh thần tử đạo. Cuối cùng, sau những đau đớn về thể xác vì bị đày đọa, ông qua đời vào khoảng năm 254. Số tác phẩm mà ông để lại cho hậu thế lên tới gần sáu ngàn. Là một người khiêm tốn, Ô-ri-gê-nê không bao giờ nhắc về mình trong các tác phẩm của ông. Mặc dù là tác giả của một số giáo thuyết sai lầm nhưng những đóng góp của ông cho nền thần học Ki-tô Giáo là rất đáng ghi nhận. Ô-ri-gê-nê cũng là một người vâng phục, không bảo thủ và đặt quyền phán quyết đối với việc giảng dạy của mình trong tay Giáo Hội.

Thánh A-tha-na-si-ô thành A-lê-xan-ri-a (296-298 – 373) – Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Ông sinh tại A-lê-xan-ri-a trong một gia đình theo Ki-tô Giáo. Ngay từ nhỏ, ông đã được hưởng một nền giáo dục tuyệt vời về giáo lý, văn học Hy-lạp, triết học, hùng biện và luật học. Ông được phong chức phó tế năm 318 và làm thư ký cho Thánh A-lê-xan-đê (?-326/328) – Giám mục A-lê-xan-ri-a. Tại Công đồng Ni-xê-a năm 325, ông đã lập luận chống lại lạc giáo Arius khi những người theo học thuyết này cho rằng Chúa Ki-tô không thực sự là Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha. Arius sau đó bị kết án là lạc giáo, bị phế truất và trục xuất cùng với 11 phó tế khác nhưng vẫn tiếp tục rao giảng lạc thuyết và tranh thủ sự hỗ trợ của một số nhân vật trong Giáo Hội. Năm 328, Thánh A-tha-na-si-ô kế vị Thánh A-lê-xan-đê trở thành Giám mục của A-lê-xan-ri-a, bắt đầu một giai đoạn đầy sóng gió trong cuộc đời mình. Vì những âm mưu của bè Arius, trải qua nhiều đời hoàng đế La Mã, ông bị kết án rồi lại được minh oan, bị lưu đày rồi lại được đưa trở lại. Vì bảo vệ giáo lý, ông nhiều lần trở thành đối tượng công kích của các hội đồng khắp mọi nơi trong đế quốc, thậm chí có lúc ông bị một toán lạc giáo tìm cách giết hại khi đang cử hành phụng vụ và phải trốn vào sa mạc nương nhờ các ẩn sĩ. Trong suốt cuộc đời của mình, Thánh A-tha-na-si-ô đã bị trục xuất năm lần và dành 17 năm cuộc đời để sống lưu vong vì bảo vệ giáo lý về Thiên tính của Chúa Ki-tô. Cuối cùng, ông được hoàng đế Valens (328-378) phục chức vĩnh viễn vào năm 365. Những năm cuối đời, ông được sống trong bình an và qua đời vào ngày 2 tháng 5 năm 373 tại A-lê-xan-ri-a.

Thánh Cyrillô thành Giê-ru-sa-lem (313-386) – Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Các Giáo phụ Cáp-pa-đô-ki-a

Ở Cáp-pa-đô-ki-a (thuộc Hy-lạp) vào thế kỷ IV có một nhóm tu sĩ là anh em ruột trong một gia đình có chín anh chị em mà người chị cả là thánh nữ Macrina (330-379). Sau khi người chồng sắp cưới qua đời trước ngày tổ chức hôn lễ, thánh nữ đã chọn đi theo con đường tu trì và dành thời gian quan tâm tới việc học hành của các em. Trong số các em của bà, có bốn người đã trở thành học giả, Giám mục và thánh của Giáo Hội Công Giáo bao gồm: Thánh Basiliô Cả (330-379) (Giám mục Xê-da-rê, Tiến Sĩ Hội Thánh), Thánh Grêgôriô thành Nyssa (335-395), Thánh Phê-rô thành Xê-bát-tê (340-391) và ẩn sĩ Naucratiô. Cùng với Thánh Grêgêriô thành Nazianzus (329-389) (Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh), Thánh Basiliô Cả và Thánh Grêgôriô thành Nyssa được gọi là các Giáo phụ Cáp-pa-đô-ki-a. Các Giáo phụ này đã cho thấy rằng các Ki-tô hữu hoàn toàn có thể đối thoại hòa bình với giới trí thức Hy-lạp đương thời. Họ lập luận rằng đức tin Ki-tô Giáo, mặc dù chống lại nhiều ý tưởng của Platô và Arítxtốt, là một triết lý gần gũi với khoa học nhưng đi cùng với sự chữa lành tâm hồn và sự kết hợp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa. Họ đã đóng góp lớn cho định nghĩa của Giáo Hội về Thiên Chúa Ba Ngôi và đúc kết lại phiên bản cuối cùng của Kinh Tin Kính Ni-xê-a.

Thánh Gio-an Kim Khẩu (347-407) – Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Ông sinh tại An-ti-ô-khi-a và là con của một sỹ quan cao cấp trong quân đội Xy-ri. Sau khi cha mất từ khi còn rất nhỏ, Gio-an được người mẹ góa phụ nuôi dưỡng và được rửa tội khoảng năm 368 hoặc 373. Những năm đầu đời, ông theo học Li-ba-ni-ô (314-392/393), một thầy dạy ngoại giáo nổi tiếng thời bấy giờ, người đã giúp ông có khả năng hùng biện cùng với tình yêu dành cho ngôn ngữ và văn học Hy-lạp. Nhưng càng lớn lên, ông càng gắn bó sâu sắc hơn với Ki-tô Giáo và chuyển sang học thần học dưới sự dìu dắt của Giám mục Đi-ô-đô-rô thành Tác-xô (?-390). Sau khi trở thành một ẩn sĩ vào năm 375, ông dành rất nhiều thời gian để học và ghi nhớ Kinh Thánh; thậm chí, trong suốt hai năm, ông hầu như chỉ đứng và không mấy khi ngủ. Lối sống khổ hạnh này khiến ông suy sụp sức khỏe và phải trở về An-ti-ô-khi-a. Ở đó, ông được phong chức phó tế năm 381 và nhận chức linh mục năm 386. Trong suốt mười hai năm từ 386 đến 397, Thánh Gio-an trở thành một nhà truyền giáo lừng lẫy và nổi tiếng với tài hùng biện cùng khả năng diễn thuyết trước công chúng. Thông qua lối giảng gần gũi pha lẫn những mẩu chuyện hài hước đời thường, ông giúp người nghe dễ dàng hiểu và áp dụng những điều được dạy trong Kinh Thánh vào cuộc sống hàng ngày. Ông được mọi người ca ngợi là Chrysostom, trong tiếng Hy-lạp nghĩa là Kim Khẩu hay người có cái miệng bằng vàng. Chính trong thời kỳ này, ông đã viết một loạt bài giảng nổi tiếng về các cuốn sách của Kinh Thánh mà chúng ta vẫn thường thấy được trích dẫn trong các sách chú giải cho đến ngày nay. Trong các tác phẩm của mình, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bố thí và mối quan tâm đến các nhu cầu về vật chất và tinh thần của người nghèo cũng như chống lại việc lạm dụng, hoang phí của cải.

Mùa thu năm 397, ông được chọn làm Tổng giám mục Constantinôpôli và bí mật rời An-ti-ô-khi-a để tránh làm cho dân chúng náo động. Trong thời gian làm Tổng giám mục, ông thiết lập và tăng cường các kỷ luật đối với hàng giáo sĩ, kiên quyết chống lại những buổi hội họp gây lãng phí và lên án thói ăn chơi xa xỉ của giới quý tộc. Điều đó được đông đảo quần chúng ủng hộ nhưng lại làm cho tầng lớp thượng lưu cảm thấy khó chịu, trong số đó có hoàng hậu Aelia Eudoxia (?-404) – người cho rằng những lời lên án của Gio-an nhắm vào mình. Kết quả là một Thượng hội đồng bao gồm Giám mục Thê-ô-phi-lô thành A-lê-xan-ri-a (?-412) – một người coi ông là đối thủ, hoàng hậu và một số nhân vật khác đã được tổ chức năm 403 nhằm chống lại Thánh Gio-an Kim Khẩu. Sau khi buộc tội vị Tổng giám mục bằng những lý do vô căn cứ, họ trục xuất ông khỏi Constantinôpôli. Mặc dù nhanh chóng được hoàng đế Đông La Mã Ác-ca-đi-ô (377-408) đưa trở lại do áp lực từ quần chúng nhưng chỉ một năm sau đó, ông bị trục xuất lần thứ hai và bị đày đến Cucusus thuộc Ác-mê-ni-a, một khu vực hẻo lánh và thường xuyên có xung đột vũ trang. Trong thời gian bị lưu đày, ông vẫn duy trì liên lạc qua thư tín với bạn bè và không bao giờ ngừng hy vọng được quay trở lại. Khi tin tức về việc ông bị phế truất lan truyền đến Tây La Mã, Giáo Hoàng In-nô-xen-tê I (378-417) và các Giám mục I-ta-li-a đã dành cho ông sự ủng hộ. Hoàng đế Tây La Mã Hô-nô-ri-ô (384-423) và Giáo Hoàng đã tìm cách triệu tập một Thượng hội đồng khác nhằm hóa giải tình trạng chia rẽ Đông – Tây và khôi phục thanh danh cho ông. Tuy nhiên, các đại sứ được gửi đến Constantinôpôli đã bị bắt giam và trục xuất trở lại Rô-ma. Dường như chưa thỏa mãn với những đau khổ của thánh nhân và muốn để ông cách xa dân chúng hơn nữa, năm 407, ông bị đày đi biệt xứ tới tận miền biên cương Py-thi-ô. Một trong hai người lính áp giải đã gây cho ông quá nhiều khổ cực. Ông buộc phải thực hiện những cuộc di chuyển dài ngày dưới ánh nắng mặt trời ban ngày, những cơn mưa và cái lạnh ban đêm. Sức khỏe của ông suy sụp nghiêm trọng. Ngày 14 tháng 9, tại Cô-ma-na thuộc Pon-tô, vào buổi sáng, ông đã xin cho được nghỉ ngơi tại đó vì lý do sức khỏe nhưng không được chấp thuận và bị ép phải tiếp tục hành trình. Rất nhanh chóng, ông kiệt sức tới mức họ phải quay lại Cô-ma-na và chỉ vài giờ sau, ông đã trút hơi thở cuối cùng và được chôn cất tại đó. Trước khi qua đời, lời nói cuối cùng của ông là: “Vinh quang cho Thiên Chúa trong mọi sự”. Ngày 27 tháng 1 năm 438, thi hài của thánh nhân được chuyển về Constantinôpôli và được chôn cất trong Nhà thờ các Tông đồ.

Thánh Cyrillô thành A-lê-xan-ri-a (376-444) – Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Ông sinh năm 376 tại A-lê-xan-ri-a, Ai-cập và là con của anh trai Giám mục Thê-ô-phi-lô, người triệu tập Thượng hội đồng Oak nhằm phế truất Thánh Gio-an Kim Khẩu. Sau khi người chú qua đời năm 412, ông được chọn làm người kế vị sau một vụ bạo loạn và vẫn kiên trì theo đuổi quan điểm công nhận sự quyền ưu tiên của Giáo Hội tại Constantinôpôli thay vì Rô-ma. Thực tế, sau cái chết của Thánh Gio-an Kim Khẩu, Giáo Hoàng In-nô-xen-tê I đã từ chối hiệp thông với các Giám mục A-lê-xan-ri-a, An-ti-ô-khi-a và Constantinôpôli. Sự hiệp thông chỉ được nối lại vào năm 418.

Có thể nói, thời kỳ mà Thánh Cyrillô làm Giám mục là giai đoạn nhiều biến động cả trong và ngoài Giáo Hội. Là một nhà lãnh đạo có lập trường cứng rắn, ông đã cho đóng cửa các nhà thờ của phái Novatus (Nôvatianô) và tịch thu chén thánh của họ (Đây là một bè lạc giáo nổi lên vào nửa cuối thế kỷ III, khởi xướng bởi linh mục Novatus (200-258). Nhóm này nghiêm khắc từ chối tiếp nhận trở lại các tín hữu lapsi, tức là những người chối đạo do áp lực của cuộc bách hại Ki-tô hữu dưới thời hoàng đế La Mã Trajan Dicius (201-261) vào năm 250 SCN. Novatus bác bỏ cuộc bầu cử của Giáo Hoàng Co-nê-li-ô (?-253) vì ngài đã tiếp nhận trở lại những người lapsi. Phái này phủ nhận thẩm quyền tha tội của Giáo Hội trong một số trường hợp nhất định, đặc biệt đối với những người chối đạo). Bên cạnh đó, ông cũng đã tiến hành trục xuất người Do-thái khỏi A-lê-xan-ri-a sau các vụ bạo động đẫm máu mà họ nhắm các Ki-tô hữu. Quyền lực của ông thậm chí khiến chính quyền dân sự tỏ ra e ngại và sợ hãi.

Đóng góp nổi bật của Thánh Cyrillô đối với nền thần học Ki-tô Giáo xuất phát từ cuộc tranh luận của ông với Giám mục Nestôriô của Constantinôpôli vào năm 428. Theo đó, ông kiên quyết nhấn mạnh hai bản tính Thiên Chúa và Con Người cùng hiện diện trong Chúa Giê-su Ki-tô. Ông dành cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Giám mục Nestôriô bác bỏ điều này và chỉ gọi Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Ki-tô. Thánh Cyrillô cho rằng điều này dẫn tới việc Chúa Ki-tô sẽ bị chia thành hai người khác biệt: một người được sinh ra bởi Đức Ma-ri-a và người kia hoàn toàn thiêng liêng, không sinh ra và cũng không mất đi. Ông lên án quan điểm này là một lạc giáo. Công đồng Ê-phê-xô năm 431 đã ủng hộ lập trường của ông; phế truất và lưu đày Nestôriô.

Thánh Cyrillô qua đời vào ngày 27 tháng 6 năm 444, làm Giám mục được gần 32 năm. Ông được tôn vinh là một vị thánh của Giáo Hội và năm 1883 được Giáo Hoàng Lê-ô XIII (1810-1903) phong là Tiến sĩ Hội Thánh.

Thánh Maximô (580-662) – Người tuyên tín (*)

(*) Người tuyên tín là danh hiệu của những người mạnh mẽ tuyên xưng và bảo vệ đức tin bất chấp khổ hình nhưng không chết như các vị tử đạo.

Không có nhiều tư liệu về những năm đầu đời của ông, chúng ta chỉ biết rằng ông từng làm một công chức và là phụ tá cho hoàng đế Đông La Mã Hêracliô (575-641) trước khi từ bỏ sự nghiệp chính trị và trở thành tu sĩ tại một tu viện gần Chrysopolis thuộc Bithynia năm 613. Ít năm sau, ông được bầu làm Viện phụ. Khi người Ba-tư xâm lược vùng Tiểu Á, ông phải di chuyển đến Carthage thuộc Bắc Phi và để lại chức Viện phụ cho Pyrros (?-654). Trong thời gian này, có một bè lạc giáo nổi lên với tên gọi Monothelite, được hậu thuẫn bởi Giám mục Sergius của Constantinôpôli (?-638) và sau đó chính là Pyrros, người kế vị ông ta. Lạc giáo này cho rằng Chúa Giê-su Ki-tô, mặc dù có hai phần bản tính Con Người và Thiên Chúa nhưng chỉ có một ý chí duy nhất. Thánh Maximô thẳng thừng bác bỏ giáo lý của họ và khẳng định trong Chúa Ki-tô có cả ý chí con người và ý chí thiêng liêng. Sau khi Pyrros bị phế truất vì tình nghi có dính líu đến một âm mưu chính trị, ông ta bị đày đến Carthage và chấp nhận từ bỏ lạc giáo sau một cuộc tranh luận thần học với Thánh Maximô vào năm 645. Nhưng chỉ ít năm sau, khi trở về Constantinôpôli, ông ta lại đổi ý và công nhận Monothelite. Sự tráo trở này mang đến cho ông ta chức Giám mục một lần nữa vì hoàng đế mới, Constans II (630-668) là người ủng hộ lạc giáo. Năm 649, Thánh Maximô tham dự Công đồng Latêranô do Giáo Hoàng Mác-ti-nô I (600-655) tổ chức và bàn về lạc giáo Monothelite. Ông đã bị bắt cùng với Giáo Hoàng theo lệnh hoàng đế và bị đưa về Constantinôpôli xét xử. Trên đường giải về thủ đô, Giáo Hoàng Mác-ti-nô I đã qua đời do bị đối xử tàn tệ. Thánh Maximô sau đó bị vu khống tội phản quốc và bị lưu đày năm 658. Bốn năm sau, ông bị đưa ra xét xử một lần nữa, bị kết án là lạc giáo, bị tra tấn, bị cắt lưỡi và chặt tay phải cùng với hai người bạn đồng hành. Ông bị đày đến Colchis thuộc Goergia ngày nay và qua đời ngày 13 tháng 8 năm 662. Giáo Hội coi ông là một trong những nhà thần học lỗi lạc nhất trong thời đại của mình, đặc biệt vì những đóng góp của ông cho thần học Nhập thể.

Thánh Gio-an thành Đa-mát (675/676-749) – Linh mục

Ông là Giáo phụ cuối cùng của thời đại các Giáo phụ. Sinh năm 675/676 ở Đa-mát trong một gia đình Ki-tô Giáo làm quan chức dưới chế độ cai trị của những người Hồi Giáo, sau khi cha qua đời, Thánh Gio-an tiếp tục công việc của cha trong triều đình caliph trước khi từ bỏ trốn quan trường để làm một tu sĩ. Được thừa hưởng một nền giáo dục tuyệt vời ngay từ khi còn nhỏ, ông có kiến thức uyên bác về các lĩnh vực triết học, âm nhạc, thiên văn học và thần học. Chính vốn hiểu biết thần học này đã giúp ông đóng vai trò chủ đạo trong việc chống lại luận thuyết của những người cho rằng việc các Ki-tô hữu tôn kính ảnh tượng là một hình thức thờ ngẫu tượng. Vào năm 720, thông qua các tác phẩm của mình, nhà thần học mới nổi Gio-an đã công khai chống lại quyết định của hoàng đế Đông La Mã Lêô III (685-741) về việc phá bỏ các ảnh tượng. Trọng tâm trong cách lập luận của ông bao gồm hai điểm: thứ nhất, những người theo Ki-tô Giáo thực sự không tôn thờ các ảnh tượng, mà trái lại, họ tôn thờ Thiên Chúa và tôn vinh sự tưởng nhớ đến các vị thánh. Thứ hai, ông khẳng định rằng bằng cách mang một hình thể vật chất khi nhập thể, Chúa Giê-su Ki-tô đã cho phép Giáo Hội mô tả Ngài thông qua các ảnh tượng ấy. Đến năm 730, sự kiên trì bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật Ki-tô Giáo của quan chức trẻ tuổi đã khiến ông trở thành kẻ thù của hoàng đế La Mã. Người ta đã ngụy tạo một bức thư lấy tên ông để chống lại chính quyền Hồi Giáo ở Đa-mát nhằm đẩy ông vào vòng nguy hiểm. Theo tài liệu duy nhất còn sót lại nói về tiểu sử Thánh Gio-an, ông đã bị chặt tay nhưng được phục hồi một cách kỳ lạ nhờ lời cầu nguyện của ông với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Cuối cùng, ông đã thuyết phục được người cai trị Hồi Giáo về sự vô tội của mình trước khi quyết định trở thành một tu sĩ và sau đó là linh mục tại tu viện Mar Saba. Ông qua đời ở đó năm 749.

Mặc dù có nhiều Công đồng riêng đã lên án ông vì chủ trương tôn kính ảnh tượng trong Ki-tô Giáo nhưng Giáo Hội La Mã vẫn coi ông là người bảo vệ truyền thống các tông đồ. Đến Công đồng chung Ni-xê-a II năm 787, với việc Giáo Hội đảm bảo vĩnh viễn vị trí của các ảnh tượng trong đời sống đức tin Ki-tô Giáo cả ở Phương Đông lẫn Phương Tây, ông đã hoàn toàn được minh oan sau nhiều năm qua đời. Những thành tựu đáng chú ý khác của Thánh Gio-an thành Đa-mát bao gồm Sự trình bày chính xác về Đức tin Chính thống, một tác phẩm mà ông đã hệ thống hóa tư duy của các Giáo phụ Hy-lạp trước đó về các chân lý thần học dưới ánh sáng triết học. Tác phẩm này có ảnh hưởng sâu rộng đến Thánh Tôma Aquinô và các nhà thần học sau đó. Nhiều thế kỷ sau, các bài giảng của Thánh Gio-an về việc xác nhận Đức Trinh Nữ Ma-ri-a lên trời cả hồn lẫn xác đã được trích dẫn trong định nghĩa tín điều của Giáo hoàng Piô XII về chủ đề này. Ngoài ra, thánh nhân cũng được biết đến với tư cách là tác giả và người biên tập một số bài thánh ca và thơ phụng vụ được Chính Thống Giáo Đông Phương và Công Giáo Đông Phương sử dụng cho đến ngày nay.

3. Giáo phụ La-tinh

Giáo phụ La-tinh là những người đã viết các tác phẩm của mình bằng tiếng La-tinh. Sau đây là các gương mặt nổi bật:

Học giả Tertullianô (155-240)

Tertulianô sinh ra vào khoảng năm 155-160 trong một gia đình ngoại giáo ở Carthage, một thành phố thuộc tỉnh Bắc Phi của đế quốc La Mã. Ngay từ nhỏ, ông đã nhận được một nền giáo dục vững chắc về hùng biện, triết học, lịch sử và luật pháp từ cha mẹ và gia sư ngoại giáo của mình. Là một luật sư chuyên nghiệp, bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tấm gương các vị tử đạo, ông đã cải đạo sang Ki-tô Giáo vào năm 193 và trở thành một nhà hộ giáo nhiệt thành. Nhưng rồi việc tìm kiếm sự thật theo chiều hướng quá cá nhân, cùng với tính cố chấp của một người khổ hạnh, đã dần khiến ông sa vào lạc giáo Montanus từ năm 212 (lạc giáo này cổ võ các mặc khải tư cùng những quy định khắt khe trong việc tuân giữ lề luật). Mặc dù vậy, sự độc đáo trong tư tưởng và ngôn ngữ văn chương sắc bén đã đảm bảo cho Tertulianô một vị trí cao trong số các học giả của Ki-tô Giáo cổ đại. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông trong thời kỳ chính thống được coi là những tài liệu Ki-tô Giáo đầu tiên bằng tiếng La-tinh và thường được Thánh Giê-rô-ni-mô và Thánh Augustinô trích dẫn. Các tác phẩm này tập trung vào các chủ đề: hộ giáo, sự tử đạo, Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần, Giáo Hội và đời sống Ki-tô hữu,…

Nhìn chung, Tertulianô là người nhiệt thành và có học thức cao nhưng khắt khe và cứng nhắc đối với các Ki-tô hữu trong việc sống Đạo. Ông yêu cầu họ phải có những hành động anh hùng trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi bị bách hại. Không khoan nhượng trước những lời chỉ trích, ông đã tự đặt mình vào thế bị cô lập. Cho tới ngày nay, vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ không chỉ về các tư tưởng thần học và triết học của Tertullianô, mà còn về thái độ của ông đối với các thể chế chính trị và xã hội ngoại giáo. Sau tất cả, người ta thấy rằng ông đã thiếu sự đơn sơ và khiêm nhường để có thể hòa mình với Giáo Hội, chấp nhận những yếu đuối và thiếu sót của bản thân, nhưng đã có lúc hành xử độc đoán với người khác và với chính mình. Khi người ta chỉ nhìn thấy sự vĩ đại trong các tư tưởng của mình, thì cuối cùng, họ sẽ đánh mất chính sự vĩ đại ấy. Đặc điểm cốt yếu của một nhà thần học vĩ đại chính là khiêm nhường ở lại với Giáo hội, chấp nhận những yếu đuối của mình và của người khác, bởi vì thực ra chỉ có Thiên Chúa là thánh thiện, trong khi chúng ta chỉ là những người tội lỗi và luôn cần đến sự tha thứ của Người.

Mặc dù sa vào lạc giáo, Tertulianô vẫn luôn gọi Giáo Hội là Mẹ của các tín hữu và ông cũng chưa bao giờ phải vạ tuyệt thông. Các tư tưởng chính thống của ông vẫn để lại nhiều ảnh hưởng đối với các nhà thần học của Giáo Hội sau này. Ông qua đời khoảng năm 240.

Thánh Cyprianô thành Carthage (200/210-258) – Giám mục, Tử đạo

Ông sinh ra vào khoảng năm 200-210 trong một gia đình ngoại giáo giàu có ở Carthage, một thành phố thuộc tỉnh Bắc Phi của đế quốc La Mã. Được thừa hưởng một nền giáo dục tốt của gia đình, chàng thanh niên Cyprianô ban đầu là một nhà hùng biện nổi tiếng. Sau những năm tháng của tuổi thanh xuân chìm trong chơi bời phóng đãng, ông đã tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời mình và được rửa tội vào năm 35 tuổi. Sau khi rửa tội, ông đã bán một phần gia sản để bố thí cho người nghèo và thêm vào tên mình chữ Caecilius để tưởng nhớ tới vị linh mục đã làm phép rửa cho ông. Sự hoán cải và nhiệt thành này đã gây ấn tượng mạnh cho vị Giám mục địa phương, đến nỗi chỉ một năm sau khi gia nhập Đạo, ông đã được phong chức phó tế rồi nhanh chóng được nâng lên hàng linh mục. Và cũng chỉ một năm sau, khi Giám mục qua đời, ông được bầu làm tân Giám mục mới của Carthage. Sự thăng tiến thần tốc này đã khiến một số vị trong hàng giáo phẩm Carthage cảm thấy không hài lòng; và trong suốt thời kỳ Thánh Cyprianô làm Giám mục, đã luôn của một sự chống đối của một bộ phận giáo sĩ nhắm vào ông.

Chỉ ít lâu sau khi nhậm chức, ông đã phải đối mặt với sóng gió đầu tiên: cuộc bách hại nhắm vào Ki-tô hữu dưới thời hoàng đế Trajan Decius (201-251). Vào đầu năm 250, hoàng đế này ra lệnh cho toàn bộ công dân trong đế quốc La Mã, ngoại trừ những người Do-thái, đều phải tế thần. Thánh Cyprianô đã chọn cách lánh đi thay vì ở lại và đối mặt với nguy cơ bị hành quyết. Trong khi một số giáo sĩ coi quyết định này là một dấu hiệu của sự hèn nhát, thánh nhân đã tự bảo vệ mình rằng lý do khiến ông trốn khỏi Carthage là vì không muốn bỏ rơi các tín hữu bơ vơ không người chăn dắt trong lúc ngặt nghèo, và rằng quyết định tiếp tục dẫn dắt họ, mặc dù từ xa, là phù hợp với Thánh ý của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra hành động của các Tông đồ và chính Chúa Giê-su khi tránh né những sự bắt bớ và bách hại như vậy.

Trong thời kỳ ông vắng mặt ở Carthage, mặc dù có nhiều tín hữu đã anh dũng giữ vững đức tin của mình bất chấp hiểm nguy, thì cũng có không ít người, vì muốn tránh bị ngược đãi và tịch thu tài sản, đã đồng ý tế thần và được chính quyền chứng nhận, họ được gọi là những người “lapsi” (kẻ sa ngã). Và không chỉ ở Carthage, hiện tượng chối đạo này còn xảy ra ở khắp mọi nơi trên toàn đế quốc. Thánh Cyprianô cho rằng đó là hành vi hết sức hèn nhát và đã yêu cầu những người lapsi trong địa phận của mình bắt buộc phải sám hối công khai trước khi có thể được tái thu nạp vào Hội Thánh. Tuy vậy, những giáo sĩ vốn chống đối ông từ trước đã phớt lờ quyết định này và cho phép họ rước lễ trở lại mà không nhất thiết phải sám hối. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm với một cuộc ly giáo tại Carthage mà phó tế Felicissimus là người khởi xướng. Thánh Cyrianô sau đó đã quay trở lại thành phố và triệu tập một thượng hội đồng các Giám mục Bắc Phi để bàn về cách đối xử với những người lapsi và bè ly giáo. Thượng hội đồng đã đứng về phía ông và lên án Felicissimus. Để đáp trả lại quyết định này, bè ly giáo liền bầu Fortunatus lên làm Giám mục để đối lập với ông.

Đây là một thời kỳ hết sức sóng gió và rối ren của Giáo Hội, những người có quan điểm như Thánh Cyrianô đã bị mắc kẹt giữa hai phe, một phe lỏng lẻo và vô kỷ luật muốn cho những người lapsi trở lại Đạo mà không cần sám hối; trong khi, phe còn lại là bè lạc giáo khởi xướng bởi linh mục Novatus (200-258), họ tuyên bố từ chối tiếp nhận trở lại bất kỳ tín hữu lapsi nào. Phe này đã bầu chính Novatus lên làm Giám mục Rô-ma để đối lập với Giáo Hoàng Co-nê-li-ô (?-253); đồng thời, chọn Maximus lên làm Giám mục đại diện cho quan điểm của mình ở Carthage. Điều này dẫn tới tình trạng có tới ba Giám mục với ba quan điểm khác nhau trong cùng một địa phận. Tuy nhiên, với lập trường ôn hòa và đặc biệt là những việc làm bác ái trong thời gian xảy ra đại dịch và nạn đói đã giúp Thánh Cyprianô có nhiều người ủng hộ hơn. Trong thời kỳ hỗn loạn, ông khuyến khích tín hữu của mình chăm lo tới người nghèo và sống tử tế để nêu gương cho người khác, đồng thời, phản bác lại quan điểm của những người ngoại giáo khi họ cho rằng các Ki-tô hữu là nguồn cơn của những tai họa đang xảy ra.

Vào cuối năm 256, một cuộc bách hại mới nhắm vào Ki-tô hữu lại được thực hiện dưới thời hoàng đế Valerian (195-260/264), Giáo Hoàng Sixtus II (?-258) đã chịu tử đạo tại Rô-ma. Ở Bắc Phi, Thánh Cyprianô đã chuẩn bị cho các tín hữu của mình sẵn sàng đối mặt với sự bắt bớ và sau đó, chính ông đã làm gương khi bị bắt và đưa ra trước viên tổng trấn Aspasius Paternus vào ngày 30 tháng 8 năm 257. Trước tổng trấn, ông từ chối dâng hy lễ cho các thần ngoại giáo và kiên quyết tuyên xưng Đấng Ki-tô. Ông bị trục xuất đến Curubis và sau đó bị đưa trở lại quản thúc tại gia để chờ quyết định mới từ triều đình. Chính quyền La Mã sau đó ra lệnh hành quyết tất cả các giáo sĩ Ki-tô Giáo. Ngày 14 tháng 9 năm 258, sau khi một lần nữa giữ vững đức tin trước cuộc thẩm vấn của viên tổng trấn mới – Galerius Maximus, Thánh Cyprianô đã bị chém đầu ở một nơi trống trải gần Carthage, có rất đông tín hữu đã theo chân ông đến nơi hành quyết. Ông được mai táng trong ngôi mộ đặt gần nơi tử đạo và sau này, đã có nhiều nhà thờ đã được dựng lên ở xung quanh. Một số thánh tích của ông có thể đã được chuyển về Pháp dưới thời hoàng đế Charlemagne (742-814).

Các tác phẩm và thư tín của Thánh Cyprianô có ảnh hưởng rất lớn đối với Giáo Hội trong việc xây dựng các tín điều và giáo lý. Nội dung của chúng nói về Kinh Lạy Cha, cung cách ăn mặc phù hợp đối với các trinh nữ tận hiến, sự chết, công việc bố thí cho người nghèo, hộ giáo, bí tích Rửa Tội, bí tích Giải Tội,… Ông được coi là tác giả Ki-tô Giáo La-tinh vĩ đại đầu tiên, bởi trước đó, Tertulianô đã sa vào lạc giáo. Cho đến thời của Thánh Giê-rô-ni-mô và Thánh Augustinô, các tác phẩm của Thánh Cyprianô được coi là chiếm vị trí cao nhất ở phương Tây.

Bình luận

BLOGGER
♰ Trang tin được dẫn trích từ nhiều nguồn tư liệu trên Internet dành riêng cho người Công Giáo, các Kitô hữu, và những ai mong muốn tìm hiểu Đức Tin Công Giáo một cách sâu sắc hơn – Để yêu mến Chúa Kitô và Mẹ Hội Thánh hơn.

Name

Abraham,1,Ăn Chay,1,Bảy Vị Thánh Ngủ,1,Bí tích,10,Calcutta,1,Catholic Community,2,Cầu Nguyện,4,Cầu Nguyện Liên Lỉ,1,Chia Sẻ,33,Chú Giải,1,Chúa Giê-Su,24,Cô Đơn,1,Công Giáo,42,Congregatio,1,Cuộc Khổ Nạn,2,Cựu Ước,3,Đám Cưới,2,Đền Thờ,1,Đền Tội,1,DHY Nguyễn Văn Thuận,1,Don Bosco Cần Giờ,1,Dòng Tu,1,Đức Giáo Hoàng,11,Đức Hồng Y,2,Đức Hồng Y George Pell,1,Đức Mẹ,7,Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp,2,Đức Mẹ Măng Đen,1,Đức Mẹ Maria,7,Đức Mẹ Nghèo Khó,1,Đức Ông Vincent Trần Ngọc Thụ,1,Đức Tin,3,Ebook Công Giáo,1,English Catholic,4,Gabriel,1,Gia Phả Chúa Giêsu,1,Giáo Hội,20,Giáo Huấn,1,Giáo Lý,8,Giuse Marchand Du,1,Hạnh Các Thánh,11,Hạt Mân Côi,3,Hình Ảnh Công Giáo,1,Hoả Ngục,1,Hỏi Đáp,14,Hỏi Đáp Công Giáo,35,Hỏi Đáp Tôn Giáo,8,I am Catholic,2,Kinh Cầu Nguyện,4,Kinh Thánh,25,Kinh Thánh Tân Ước,1,Lạc Giáo,2,Lễ Vọng,1,Linh Hồn,1,Lời Chúa Hàng Ngày,3,Lòng Thương Xót Chúa,1,Luyện Ngục,1,Luyện Tội,1,Ly Hôn,1,Ma Quỷ,1,Mái Ấm,1,Maria Madalena,1,Mẹ Teresa,1,Michael,1,Miriam,1,Môsê,1,Ngẫu Tượng,2,Nghịch Lý Tảng Đá,1,Nhà Thờ,3,Night Prayer,1,Nô Lệ,1,Ơn Gọi,1,Ordo,1,Padre Piô,2,Phongxiô Philatô,1,Problem of Evil,1,Probo Vaccarini,1,Radio,51,Radio Công Giáo,45,Raphael,1,Sách Công Giáo,3,Sách Khải Huyền,1,Sinh Nhật Đức Mẹ,1,Suy Niệm,1,Tên Thánh,1,Thần Học,1,Thần Khúc Dante,1,Thánh Biển Đức Viện Phụ,1,Thánh Đa Minh,1,Thánh Giá,3,Thánh Giuse,2,Thánh Lễ,7,Thánh Luca,2,Thánh Mát-thêu,1,Thánh Phao-lô,1,Thánh Phê-rô,1,Thánh Tích,1,Thánh Tử Đạo Việt Nam,1,Thập Tự Chinh,1,Thiên Chúa,14,Thiên Đàng,1,Thiền Siêu Việt,2,Thiên Thần,3,Thiền TM,1,Tìm Hiểu,31,Tin Lành,1,Tin Mừng,6,Tổ Nghề,1,Tông Đồ,4,Tử Đạo,1,Vatican,4,Vụ án Galileo Galile,2,Xưng Tội,2,Yoga,1,
ltr
item
✞ CATHOLIC VIETNAM : Giáo Phụ Là Ai?
Giáo Phụ Là Ai?
https://augustino.net/wp-content/uploads/2020/10/Giao-phu.jpg
✞ CATHOLIC VIETNAM
https://www.catholic.com.vn/2021/08/giao-phu-la-ai.html
https://www.catholic.com.vn/
https://www.catholic.com.vn/
https://www.catholic.com.vn/2021/08/giao-phu-la-ai.html
true
1702303097171369883
UTF-8
Đã tải tất cả các bài đăng Không tìm thấy bất kỳ bài viết nào Xem tất cả Xem thêm Phản hồi Dừng phản hồi Xoá Bởi Trang chủ Trang Bài viết Xem tất cả GỢI Ý CHO BẠN Từ khoá Lưu trữ Tìm kiếm Tất cả bài viết Không tìm thấy bất kỳ bài đăng nào phù hợp với yêu cầu của bạn Quay lại Trang chủ Chủ nhật Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 Thứ 7 Chủ nhật Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 Thứ 7 Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 vừa rồi 1 phút trước $$1$$ trước 1 giờ trước $$1$$ giờ trước Hôm qua $$1$$ ngày trước $$1$$ tuần trước hơn 5 tuần trước Những người theo dõi Theo dõi Nội dung bản quyền được che lại, để xem vui lòng làm theo hai bước hướng dẫn dưới đây: Bước 1: Chia sẻ trên Facebook hoặc Twitter Bước 2: Nhấp vào link mà bạn mới mới chia sẻ trên trang cá nhân. Copy tất cả mã Chọn tất cả mã Tất cả các mã đã được sao chép vào khay nhớ tạm của bạn Không thể sao chép mã / văn bản, vui lòng nhấn [CTRL] + [C] (hoặc CMD + C với Mac) để sao chép Mục lục