Trong những thập kỷ trở lại đây, sự xuất hiện ngày càng phong phú của các sứ điệp và các mặc khải tư đã làm cho tinh thần thận trọng và óc p...
Trong những thập kỷ trở lại đây, sự xuất hiện ngày càng phong phú của các sứ điệp và các mặc khải tư đã làm cho tinh thần thận trọng và óc phân biệt theo truyền thống trở nên cần thiết với chúng ta hơn bao giờ hết. Giữa một xã hội hỗn độn và thiếu vắng những điều thiêng liêng, nhiều người Công Giáo có xu hướng tìm cách liên hệ với thế giới siêu nhiên thông qua các mặc khải tư, bất kể nó đã được Giáo Hội chấp nhận chưa và có phù hợp với đức tin hay không.
Thiên Chúa có thể và đôi khi đã ban cho một số người những mặc khải tư, đây là điều không thể phủ nhận. Những ai nhận được các mặc khải ấy, nếu hoàn toàn chắc chắn nó đến từ Thiên Chúa thì nhất định phải tin. Tuy nhiên, Giáo Hội không bao giờ áp đặt các tín hữu Công Giáo phải tin vào các mặc khải này dù người nhận được nó là ai, một người bình thường hay một vị thánh vĩ đại. Giáo Hội chỉ dành cho nó một sự chấp thuận sau khi xét thấy là nó xác thực và phù hợp với đức tin, dựa trên một quá trình kiểm tra nghiêm ngặt các bằng chứng và những lợi ích thiêng liêng mà mặc khải ấy mang lại.
Giáo lý về mặc khải tư
Trong sách Giáo lý Công Giáo, Hội Thánh dạy rằng:
“Nhiệm cục Ki-tô Giáo sẽ không bao giờ mai một, vì là giao ước mới và vĩnh cửu. Chúng ta không phải chờ đợi một mặc khải công khai mới nào khác nữa trước ngày Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta tỏ mình ra trong vinh quang.” Tuy nhiên, mặc dù mặc khải đã hoàn tất, nhưng nó vẫn chưa được giải thích trọn vẹn; vì thế đức tin Ki-tô Giáo còn phải dần dần, qua dòng thời gian, tìm hiểu tất cả sự cao siêu của mặc khải. — Giáo lý số 66
Theo dòng lịch sử, đã xuất hiện những điều gọi là “mặc khải tư”, một số trong đó được thẩm quyền Hội Thánh công nhận. Tuy vậy, những mặc khải đó không thuộc kho tàng đức tin. Chức năng của chúng không phải là “cải thiện” hoặc “bổ sung” mặc khải vĩnh viễn của Đức Ki-tô, nhưng để giúp người ta, vào một thời điểm lịch sử nào đó, sống mặc khải của Đức Ki-tô cách trọn vẹn hơn. Cảm thức đức tin của các tín hữu, dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội Thánh, có khả năng phân định và đón nhận trong các mặc khải đó những gì là lời khuyến dụ đích thực của Đức Ki-tô hoặc của các Thánh gởi đến cho Hội Thánh.
Đức tin Ki-tô Giáo không thể tiếp nhận “những mặc khải” nào muốn vượt cao hơn hay sửa đổi mặc khải đã được hoàn tất trong Đức Ki-tô. Một số tôn giáo ngoài Ki-tô Giáo và một số giáo phái được sáng lập gần đây đặt nền tảng trên “những mặc khải” như thế. — Giáo lý số 67
Như vậy, đức tin Ki-tô Giáo không chấp nhận các mặc khải đòi chỉnh sửa giáo huấn của Giáo Hội hay ra lệnh cho người tín hữu không tuân theo những chỉ thị hợp pháp của các vị mục tử.
Các hiện tượng thần bí giả
Người Công Giáo phải hết sức thận trọng trong việc tin tưởng vào các thị kiến hay các sứ điệp trước khi chúng được Giáo Hội chính thức chấp thuận, vì những mặc khải như vậy có thể đánh lạc hướng họ khỏi các mặc khải tư chân chính; dẫn họ vào các thực hành lệch lạc; đưa ra những chuyện hoang đường, thêu dệt không đúng sự thật; hay tệ hơn là lôi cuốn người ta rời khỏi Giáo Hội một cách tinh vi.
Không ai khác, chính ma quỷ sẽ là những kẻ vui mừng nhất khi thấy các tín hữu Công Giáo, thay vì sử dụng những phương tiện phát triển tâm linh đích thực và đáng tin cậy, lại mù quáng chạy theo những điều dị thường không được chấp nhận. Về khoản này, Giáo Hội luôn đặc biệt cẩn trọng trước khi nhìn nhận chính thức một mặc khải tư cụ thể nào, vì Giáo Hội hiểu rằng “chính Xa-tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng” (2 Cr 11,14). Bên cạnh việc tránh bị nhẹ dạ cả tin, Giáo Hội cũng phải dè chừng để không rơi vào những mối hoài nghi vô căn cứ, vì Thánh Phao-lô chỉ thị: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ” (1 Tx 5,19-22). Và Thánh Gio-an cũng cảnh báo: “anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4,1).
Hơn ai hết, các vị linh mục phải là những tấm gương về óc thận trọng và đức vâng phục trong những tình huống này. Rất ít người có thể nhận biết toàn bộ sức mạnh và quyền năng của ma quỷ trong việc đánh lừa. Có nhiều người Công Giáo thường vội vàng gán mọi điều lạ thường cho Thiên Chúa ngay khi nó vừa mới xuất hiện. Hãy nhớ rằng những thông điệp hay các phép lạ có thể được thực hiện một cách trọn vẹn từ ba nguồn khác nhau: Thiên Chúa, loài người và ma quỷ. Trong mỗi trường hợp cụ thể, cần thiết phải có sự phân định rõ ràng xem ai là người đã thực hiện những điều lạ thường ấy.
Việc lan truyền các mặc khải tư là điều bị cấm giống như tội lỗi nếu nó nhận được một phán quyết tiêu cực từ Giám mục địa phương, Hội đồng Giám mục hoặc Bộ Giáo lý Đức Tin của Tòa Thánh. Thẩm quyền phán xét về tính xác thực của một mặc khải tư thuộc về Giám mục địa phương nơi nó được báo cáo.
Có thể một số người nói rằng: “Tôi sẽ tin vào mặc khải này đến khi nào Đức Giáo Hoàng tuyên bố nó là giả.” Điều này là sai lầm và vô ích vì Đức Giáo Hoàng gần như không bao giờ lên tiếng ủng hộ hay phản đối một mặc khải tư nào. Các Giáo Hoàng có thể chọn cách thể hiện sự tán thành của mình đối với một số mặc khải nhất định sau phán quyết của một Giám mục địa phương hay Hội đồng Giám mục, bằng cách nói về chúng, hoặc đặt một lễ mới trong lịch phụng vụ, hoặc đi thăm những nơi có liên hệ mật thiết với chúng (ví dụ: Guadalupe, Paray-le-Monial, Rue de Bac, Lourdes, Knock, Fatima, Beauraing, Banneux,…).1
Ngoài ra, ngay cả khi Giám mục địa phương có sự nhầm lẫn trong việc không công nhận một mặc khải tư đích thực thì việc tuân theo quyết định của Giáo Hội vẫn là điều tối quan trọng. Trong một số trường hợp, việc lan truyền một mặc khải tư nào đó sẽ bị coi là tội lỗi, nhưng nếu không lan truyền bất kỳ mặc khải tư nào thì chắc chắn không có tội. Điều này được áp dụng cho cả người nhận được mặc khải và những người tin theo. Trên thực tế, nếu người tuyên bố nhận được mặc khải không tuân theo bản quyền hợp pháp của Giám mục địa phương, đó sẽ là dấu hiệu chắc chắn cho thấy thông điệp họ nhận được không xuất phát từ Thiên Chúa; vì Người không bao giờ có ý muốn hay ra lệnh cho người được nhận mặc khải tư, dù là mặc khải chân chính, phải chống lại nhằm bãi bỏ sắc lệnh hợp pháp của một vị Giám mục.
Sự bất tuân
Sau sai lầm về mặt bản chất, dấu hiệu dễ nhận thấy của các hiện tượng thần bí giả là sự ngoan cố và bất tuân của người nhận được chúng. Thánh nữ Faustina Kowalska đã từng viết: “Xa-tan thậm chí có thể khoác lên mình chiếc áo choàng của sự khiêm nhường, nhưng nó không biết làm thế nào để khoác chiếc áo của đức vâng phục.” Những nhà thần bí chân chính, chẳng hạn như Thánh Piô Năm Dấu, là hình mẫu của đức vâng phục. Họ không bao giờ tô vẽ Đức Ki-tô để chống lại Giáo Hội của Ngài.
Chính sự hiểu biết về những thủ đoạn xảo quyệt của ma quỷ đã khiến Giáo Hội luôn tỏ ra thận trọng trong vấn đề này. Trong cuốn Thần học tâm linh phát hành năm 1982, cha Jordan Aumann (1916-2007) Dòng Đa-minh đã nêu ra những điều mà ma quỷ có thể và không thể thực hiện được như sau:
Những điều ma quỷ không thể làm:
- Tạo ra bất kỳ loại hiện tượng siêu nhiên thực sự nào.
- Tạo ra một thực thể, vì chỉ có Chúa mới có thể tạo ra.
- Làm cho một người sống lại từ cõi chết, mặc dù chúng có thể tạo ra ảo giác về việc này.
- Đưa ra những dự đoán thực sự mang tính tiên tri, vì chỉ có Thiên Chúa mới biết được tương lai một cách tuyệt đối và chỉ những người mà Ngài chọn để tiết lộ mới biết được một phần của tương lai. Tuy nhiên, những sự phỏng đoán thông minh của ma quỷ cũng có thể xuất hiện trước mắt người phàm như thể một lời tiên tri đích thực.
- Biết những điều bí mật trong thâm tâm con người. Tuy nhiên, trí thông minh và óc quan sát nhạy bén có thể giúp chúng suy luận ra nhiều điều về họ.
Những điều ma quỷ có thể làm:
- Tạo ra những thị kiến cụ thể hoặc trong trí tưởng tượng của con người.
- Tạo ra sự xuất thần giả.
- Chữa khỏi tức thì các căn bệnh do chính ảnh hưởng của chúng gây ra.
- Tạo dấu thánh.
- Mô phỏng các phép lạ, các hiện tượng bay lên và phân thân.
- Làm cho người hoặc đồ vật dường như biến mất bằng cách cản trở thị giác hoặc tầm nhìn của người quan sát.
- Khiến một người nghe thấy âm thanh hoặc giọng nói lạ.
- Khiến một người nói tiếng lạ.
- Tuyên bố một sự thật bị che giấu hoặc xa vời.
Tự nhiên và khoa học
Bất cứ điều gì mà thế giới tự nhiên hay khoa học có thể tạo ra thì ma quỷ cũng có thể làm được và dĩ nhiên, trong giới hạn được Thiên Chúa cho phép. Sách Xuất Hành đã thuật lại cho chúng ta rằng khi ông Mô-sê và ông A-ha-ron làm một số phép lạ trong đất Ai-cập thì các phù thủy và pháp sư của Pha-ra-ô cũng làm được như vậy (Xh 7,11-12.22;8,3). Trong chương 22, cuốn Hộ giáo, Giáo Phụ, học giả Tertulianô viết: “Trước hết, chúng (ma quỷ) khiến bạn đau ốm; tiếp theo, để tạo ra một phép lạ từ đó, chúng kê cho bạn những đơn thuốc chữa trị hoàn toàn mới mẻ hoặc trái ngược với các phương pháp thông thường. Sau đó, chúng rút lại những tổn thương đã gây ra cho bạn; và như thế, chúng được cho là người đã chữa lành bệnh tật.”
Đứng trước khả năng lừa dối hết sức tinh vi của các thiên thần sa ngã, chúng ta không lấy gì làm lạ khi Giáo Hội luôn rất chậm chạp trong việc tuyên bố một phép lạ hay thông điệp nào đó là xác thực. Rõ ràng, việc đưa ra lời phản đối với những người nhận được thị kiến (tìm ra một điểm sai lầm) sẽ dễ dàng và tốn ít thời gian hơn là dành cho họ sự ủng hộ (xác nhận nó hoàn toàn đúng). Có một số cá nhân đã bị nêu đích danh trong các tuyên bố có tính phản đối của Giáo Hội, ví dụ như Vassula Ryden hay William Kamm.2 Vassula đã bị Tòa Thánh kết án hai lần với lý do rằng những mặc khải của bà không đến từ Thiên Chúa và vì chúng có những sai sót chống lại đức tin. “Nhưng những bài viết của cô ấy thật thiêng liêng và thật đẹp!”
Tôi đồng ý; có thể 99% thông điệp của Vassula phù hợp với đức tin Công Giáo; nhưng đó chỉ là cách ma quỷ hành động để đánh lừa những người Công Giáo nhiệt thành. Đó là 1% gây hại. Một quả táo có độc gần như là một quả táo tốt; nhưng sẽ gây nguy hiểm cho người ăn. Ma quỷ biết rằng nó không thể lừa dối những người Công Giáo sùng đạo bằng tà giáo hoàn toàn, nhưng nó có thể thu hút lòng mộ đạo của họ và sau đó khéo léo gieo rắc những sai lầm một cách tinh vi.
Có một thực tế là hầu hết các mặc khải tư được các cá nhân công bố đều là sai. Do đó, sẽ thật ngốc nếu chúng ta tự hiến mình để tuyên truyền một thông điệp không được chấp thuận hay có điểm đáng ngờ, mà thực sự nó có thể đến từ ma quỷ, cha đẻ của nghề nói dối. Nếu một ngày bạn nhìn thấy sự giả dối của nó trong chính mình, bạn sẽ hối hận vô cùng và không thể tẩy xóa những tổn thương đã gây ra cho người khác. Mặt khác, đã có quá đủ thông điệp được chấp thuận để bạn có thể lan truyền. Tốt hơn hết là nên tuân theo những gì được Giáo Hội tuyên bố hơn là đi một mình và có nguy cơ trở thành nạn nhân trong những trò lừa bịp của ma quỷ.
Dựa theo bài viết cùng tên của cha Peter Joseph, phó hiệu trưởng Chủng viện Thánh Vianney, Wagga Wagga, Australia.
https://www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=7724
Chú thích
1 Đây là những nơi Đức Mẹ hiện ra đã được Tòa Thánh công nhận: Guadalupe (Mêxicô), Paray-le-Monial (Pháp), Rue de Bac (Pháp), Lourdes (Pháp), Knock (Ireland), Fatima (Bồ Đào Nha), Beauraing (Bỉ), Banneux (Bỉ),…
2 Vassula Ryden (1942) là một phụ nữ Ai-cập theo Chính Thống Giáo Hy-lạp, người tuyên bố đã nhận được những thông điệp từ Chúa Giê-su và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Việc truyền bá các thông điệp của Vassula đã bị Bộ Giáo lý Đức Tin ngăn cấm từ năm 1995. Đến năm 2007, Đức Hồng y William Levada xác nhận rằng Thông báo năm 1995 vẫn còn hiệu lực.
William Kamm (1950) là một người đàn ông ở Đức tự nhận đã được sự mặc khải của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Ông này thành lập một nhóm tôn giáo ở Úc với tên gọi Dòng tu Thánh Charbel nhưng không được Giáo Hội công nhận. Các mặc khải và những lời tiên tri của Kamm đều là giả mạo và có tính chất lệch lạc. Ông ta bị kết án hai lần vì tội hiếp dâm và tấn công hai thiếu niên 15 tuổi vào các năm 2005 và 2007.
Bình luận