Nói phạm đến Thánh Thần là một thứ tội mà có lẽ bất kỳ ai đã đọc Kinh Thánh Tân Ước đều để tâm suy nghĩ và không khỏi băn khoăn về bản c...
Nói phạm đến Thánh Thần là một thứ tội mà có lẽ bất kỳ ai đã đọc Kinh Thánh Tân Ước đều để tâm suy nghĩ và không khỏi băn khoăn về bản chất của nó. Bởi trong các trích đoạn Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nghiêm khắc nói về hậu quả của thứ tội này và khẳng định nó là tội duy nhất khiến con người ta không được lãnh nhận ơn tha thứ.
Trong bài viết này, chúng ta cùng dựa trên nguồn Giáo lý Công Giáo để làm sáng tỏ vấn đề. Trước tiên, xin nhắc lại sự xuất hiện của khái niệm này trong Tân Ước:
Trích Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu: Vì thế, tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau. (Mt 12,31-32)
Xem thêm: Mc 3,28-29 và Lc 12,10
Nói phạm đến Thánh Thần là gì?
Nhiều nhà chú giải Tin Mừng đã đau đầu tìm lời giải thích thỏa đáng cho những câu nói kể trên của Chúa Giê-su. Trong số đó, chúng tôi xin trích dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Thánh Kinh là linh mục Joseph Fitzmyer (1920-2006) – Dòng Tên như sau: “Nói phạm đến Thánh Thần là tình trạng cố chấp trong cách chống đối ngoan cố và trọn vẹn nghịch lại tác động của Thánh Thần.”
Chúa Thánh Thần có 2 tác động là bày tỏ chân lý của Thiên Chúa và soi sáng, giúp con người nhận biết chân lý. Khi một người ngoan cố chống đối và từ chối đến cùng tác động của Thánh Thần sẽ tự đưa mình đến tình trạng “mù lòa” về tâm hồn. Nói cách khác, họ không còn khả năng phân biệt tốt – xấu, thiện – ác, thật – giả. Với họ, tốt sẽ thành xấu và xấu sẽ thành tốt. Điều đó dễ dàng bộc lộ qua thái độ và hành động của họ khi nghe hay quan sát các sự vật, sự việc xung quanh.
Ta bắt gặp tình trạng này nơi những người Pha-ri-sêu và các kinh sư khi họ chứng kiến Chúa Giê-su trừ quỷ. Trong khi dân chúng thán phục và biết ơn Người thì những người này thấy ngay đó là một việc xấu và cho rằng Người bị quỷ ám. Thậm chí, những người Pha-ri-sêu còn nói: “Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun.” (Mt 12,24)
Vậy, một câu hỏi được đặt ra là:
Những con đường nào đưa người ta tới tình trạng đó?
Về khoản này, Giáo Hội đã chỉ ra 6 thứ tội đưa con người tới chỗ xúc phạm (hay nói phạm) đến Thánh Thần:
1. Ngã lòng trông cậy (Tuyệt vọng)
Bằng sự ngã lòng, con người không còn hy vọng Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho mình, không còn hy vọng những sự trợ giúp để mình đạt tới ơn cứu độ, hay không còn hy vọng ơn tha thứ các tội lỗi của mình. Điều này nghịch với sự tốt lành của Thiên Chúa, nghịch với sự công chính của Ngài – bởi vì Thiên Chúa luôn trung tín với các lời hứa của Ngài –, và nghịch với lòng thương xót của Ngài.— Giáo lý số 2091
2. Tự phụ
Có hai loại tự phụ. Hoặc con người quá cậy dựa vào các khả năng của mình (hy vọng mình có thể được cứu độ mà không cần sự trợ giúp của ơn trên), hoặc ỷ lại vào sự toàn năng và lòng thương xót của Thiên Chúa (hy vọng sẽ đạt được ơn tha thứ của Ngài mà không cần hối cải và đạt tới vinh quang của Ngài mà không cần lập công). — Giáo lý số 2092
3. Chống lại sự thật đã biết
Tội này bao gồm việc:
– Cố tình nghi ngờ trong lãnh vực đức tin: tỏ ra thờ ơ hay không nhìn nhận những điều Thiên Chúa đã mặc khải và Hội Thánh dạy phải tin, là chân thật. — x. Giáo lý số 2088
– Vô tín: thờ ơ với chân lý mặc khải hay cố tình từ chối chấp nhận chân lý đó. — Giáo lý số 2089
Tội này thường biểu hiện qua thái độ, hành động hay ngôn từ cho thấy sự kiên quyết không tin các chân lý, tín điều dù đã được giải thích rõ ràng, có cơ sở. Hoặc mỉa mai, khinh thường, phỉ báng các điều đó trong sự kiêu căng và ngạo mạn. Bên cạnh đó là các trường hợp Lạc giáo (khi người tín hữu đã chịu phép Rửa Tội lại ngoan cố phủ nhận hay nghi ngờ một chân lý phải tin nhận, theo đức tin đối thần và công giáo), Bội giáo (chối bỏ toàn bộ đức tin Ki-tô giáo) hay Ly giáo (từ chối tùng phục Đức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với các phần tử của Hội Thánh đang phục quyền Người). — x. Giáo lý số 2089
4. Ghen tỵ với sự tốt lành của người khác (hay ân sủng người khác nhận được từ Chúa Thánh Thần)
Chúng ta biết rằng những điều tốt đẹp ở mỗi con người đều là ân sủng của Chúa Thánh Thần. Thay vì đón nhận những điều tốt đẹp đó trong sự khiêm tốn và trân trọng, có những người cảm thấy ghen tị hay bất mãn vì những điều tốt đẹp của người khác, thậm chí ngay cả khi mình đã có điều đó rồi. Những người như vậy, về bản chất chỉ muốn vinh quang Thiên Chúa cho riêng mình mà thôi, thậm chí họ muốn được ngang bằng với Thiên Chúa. Hình mẫu điển hình cho trường hợp này là Lu-xi-phe, một Tổng Lãnh Thiên Thần được Thiên Chúa ban cho quyền năng và vinh quang nhưng chính sự ghen tỵ, kiêu căng đã đẩy y tới chỗ sa ngã và trở thành quỷ Xa-tan (Is 14,13-15).
Sự ganh tị có thể đưa tới việc làm tồi tệ nhất (x. St 4,3-8; 1 V 21,1-29). “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2,24). — Giáo lý số 2538
5. Ngoan cố, lì lợm trong tội lỗi (Bất tuân)
Đây là trường hợp của những người dù đã được ơn Thánh Thần soi sáng, hiểu rõ tính sai trái của tội lỗi và hậu quả của nó nhưng vẫn cố tình phớt lờ và lặp đi lặp lại sự phớt lờ đó một cách ngoan cố và lì lợm. Trong mỗi việc làm của mình, những người này không quan tâm hay vờ như không biết tới những nguyên tắc về luân lý (đạo đức) để tự mình hành động theo ý riêng chỉ nhằm đạt được mục đích. Nói cách khác, họ đã bịt tai, nhắm mắt trước tiếng nói của lương lâm, trước sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
6. Tuyệt đối không ăn năn (Không ăn năn tới giờ chết)
Chúng ta biết rằng sự ăn năn là điều kiện tiên quyết để tội nhân được hưởng ơn cứu độ. Tuy nhiên, có những người không muốn hay không cảm thấy cần phải ăn năn và kiên quyết giữ tình trạng đó cho tới giờ chết. Những con người như vậy không thể nhận được ơn tha thứ vì chính bản thân họ cảm thấy không cần lãnh nhận ân sủng đó. Sự khước từ này chắc chắn sẽ đẩy họ tới hậu quả là hình phạt đời đời.
Bình luận