Hình minh họa: Vì sợ bị coi là ít thẩm quyền và thất hứa, Hê-rô-đê An-ti-pa đã cho người chém đầu Gio-an Tẩy Giả Tấm gương Xô-cơ-rát Hầu h...
Hình minh họa: Vì sợ bị coi là ít thẩm quyền và thất hứa, Hê-rô-đê An-ti-pa đã cho người chém đầu Gio-an Tẩy Giả
Tấm gương Xô-cơ-rát
Hầu hết các trường phái triết học thời cổ đại đều coi Xô-cơ-rát (470-399 TCN) là vị thánh bảo trợ của họ. Ở Hy-lạp và Rô-ma, những người theo chủ nghĩa hoài nghi, yếm thế và khắc kỷ đều tìm đến ông để lấy nguồn cảm hứng. Sống ở A-thê-na vào thế kỷ V TCN, ông đã không tuân theo sức ép của xã hội đương thời. Bằng phương pháp đặt câu hỏi, ông cố gắng đưa người khác ra khỏi việc dành cả cuộc đời để tìm kiếm danh vọng và quyền lực. Ông thách thức đồng bào mình tìm kiếm các tiêu chuẩn đạo đức cao hơn.
Vào năm 406 TCN, mặc dù giành chiến thắng trong trận hải chiến Arginusae, sáu vị tướng chỉ huy của quân đội A-thê-na bị cáo buộc đã quyết định truy đuổi tàu chiến đối phương thay vì cứu những thủy thủ trên các tàu bị chìm khiến họ phải chết đuối. Tuy nhiên, thực tế là các tướng lĩnh này đã chia một số tàu đến ứng cứu nhưng cơn bão bất ngờ ập tới đã khiến toàn bộ nỗ lực đó bị phá sản. Bất chấp lý do này, cư dân A-thê-na đã rất tức giận và gây sức ép lên hội đồng thành phố đòi xử tử sáu vị chỉ huy, thậm chí khi các thành viên trong hội đồng không đồng ý, họ dọa sẽ giết những người này. Và sau cùng, toàn bộ hội đồng đã phải nhượng bộ đám đông quần chúng để ra một phán quyết bất công ngoại trừ một người, đó chính là Xô-cơ-rát. Ông đã giữ vững nguyên tắc của mình thay vì hành động theo sự tôn kính con người.
Lại nói về tội tôn kính con người
Nói một cách đơn giản, tội tôn kính con người là đặt ý kiến của người khác lên trên sự thật để được họ đón nhận và thậm chí tôn vinh. Đó là một trong những thái độ nguy hiểm nhất. Giống như một loại khí độc, nó bao quanh chúng ta một cách tinh vi và sẵn sàng cướp đi các nhân đức mà chúng ta đang có. Nó làm suy yếu sự ngay thẳng của cá nhân và gây tổn hại cho xã hội.
Được chấp nhận và công nhận là một phần của tập thể và không gạt ra bên lề là một trong những điều tốt đẹp mà mọi người chúng ta đều mong muốn. Theo Thánh Tô-ma A-qui-nô, một cách tự nhiên, mọi con người mong muốn được công nhận là có giá trị (Tổng luận thần học, 2a2ae, 129,1). Không ai muốn bị gạt ra hoặc bị loại bỏ bởi người khác hoặc bởi xã hội nói chung. Vì lý do này, đôi khi tất cả chúng ta phải đối mặt với cơn cám dỗ chấp nhận nhượng bộ sự tôn kính con người.
Khi 78% người Mỹ đã trút bỏ chiếc áo tôn giáo một cách có tổ chức, những Ki-tô hữu còn giữ đức tin thường thấy mình không được công chúng chào đón. Trong môi trường như vậy, việc làm quen với các xu hướng văn hóa đang thịnh hành nhanh chóng trở nên hấp dẫn hơn so với lựa chọn phản kháng. Các tín hữu phải đối mặt với cám dỗ rằng để được công chúng đón nhận, họ phải đồng hành với những điều mà bản thân không thể tha thứ hay tin tưởng.
Sống với nhau như vợ chồng mà không kết hôn, quan hệ đồng giới, phá thai, thụ tinh trong ống nghiệm, trợ tử, chuyển giới và tự tử được bác sĩ hỗ trợ: tất cả những điều này đã được chấp nhận trong xã hội của chúng ta. Văn hóa hậu Ki-tô Giáo đã bác bỏ luật tự nhiên như một tiêu chuẩn để đánh giá vấn đề đạo đức của những lựa chọn này. Thay vào đó, nó đã làm cho mỗi cá nhân trở thành trọng tài duy nhất cho đạo đức của chính mình. Vì vậy, những người tuân theo luật tự nhiên và các điều răn thiêng liêng thấy mình rơi vào một tình huống đặc biệt khó khăn.
Trong xã hội phân mảnh và hay thay đổi của chúng ta, những người kiên quyết phản đối đạo đức Ki-tô Giáo cũng như những người không thực hành đức tin đều rất hăng say bác bỏ bất cứ điều gì mâu thuẫn với hành vi hoặc ý kiến của họ. Trong hoàn cảnh như vậy, thái độ không rõ ràng trước sự thật vì sợ làm tổn thương cảm xúc của ai đó, sợ mất đi sự nổi tiếng hoặc sợ bị loại bỏ là những ví dụ điển hình của tội tôn kính con người. Hãy nhớ rằng việc ủng hộ, tha thứ hoặc thúc đẩy một tội ác đạo đức bằng lời nói hoặc bằng sự im lặng đã, đang và sẽ luôn luôn là một điều sai trái.
Ví dụ từ Hê-rô-đê An-ti-pa
Hê-rô-đê An-ti-pa là một ví dụ điển hình cho việc hành động vì sự tôn kính con người. Trong một bữa tiệc mừng sinh nhật của mình, ông ta đã rất hài lòng bởi điệu nhảy quyến rũ của con gái bà Hê-rô-đi-a đến nỗi ông ta thề sẽ tặng cô bất cứ thứ gì cô muốn, thậm chí một nửa vương quốc của mình. Khi cô xin cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm, lương tâm của Hê-rô-đê đã phán xét đúng đắn và lên án hành động như vậy. Nhưng vì sợ triều đình và các khách dự tiệc nghĩ mình có ít thẩm quyền và bị xem là kẻ thất hứa, ông ta đã nhượng bộ trước yêu cầu xấu xa đó. Sự tôn kính con người đã ra lệnh cho Hê-rô-đê và ông ta đã sai lính chém đầu Gio-an Tẩy Giả. (Mc 6,17-29) Ông ta đã phạm phải một tội ác nghiêm trọng.
Kết luận
Cho dù chúng ta đang là ai trong xã hội này, bất cứ khi nào chúng ta từ chối làm điều đúng đắn hoặc không dám nói lên sự thật vì sợ những điều không tốt mà người khác có thể nghĩ về mình, chúng ta đang lặp lại tội lỗi của Hê-rô-đê. Và qua hành động hèn nhát nhằm tránh sự dè bỉu và xa lánh đó, chúng ta từ bỏ sự đón nhận của Thiên Chúa.
Trái lại, khi bất cứ ai trong chúng ta chống lại cám dỗ của tội tôn kính con người, chúng ta được giải thoát khỏi xiềng xích của lòng tự ái và sự kiêu ngạo. Và sự rõ ràng về đạo đức trong lời nói và hành động của chúng ta sẽ xua tan sự nhầm lẫn, giúp người khác giữ được nhân đức của mình và dẫn họ đến với hạnh phúc thực sự.
Lược dịch từ bài viết của Giám mục Arthur Serratelli , Giáo phận Paterson, New Jersey, Hoa Kỳ trên catholicnewsagency.com
Bình luận