Giáo Hội thừa nhận là có đi sai một bước đó, nhưng không phải sai vì kìm hãm tự do khoa học như các nguồn tin vô thần định hướng ngày nay; m...
Giáo Hội thừa nhận là có đi sai một bước đó, nhưng không phải sai vì kìm hãm tự do khoa học như các nguồn tin vô thần định hướng ngày nay; mà là vì hoàn cảnh lịch sử và Giáo Hội lầm lẫn công trình của Aristotle.
- [message]
- Xem lại phần trước:
Lấy một ví dụ, một cố vấn khoa học của Tòa Thánh từng dè chừng và phản đối Galileo là thầy Christopher Clavius. Nhưng tên của thầy Clavius được đặt cho một miệng núi lửa ở bán cầu nam của Mặt trăng. Sẽ thật kỳ lạ khi cho rằng các nhà khoa học ngày nay lấy tên một người "kìm hãm khoa học" để đặt tên cho miệng núi lửa! Chúng ta cần tách biệt rõ ràng hai chuyện: vụ án Galileo, và thái độ của Giáo Hội với khoa học.
Rất nhiều bài viết hộ giáo đã giải thích các lỗi sai của Galileo là ông có tật khẳng định giả thuyết như sự thật trong khi số liệu nghiên cứu chưa đủ vững chắc, chẳng hạn ông từng khẳng định hiện tượng thủy triều là do Trái Đất di chuyển nhanh xung quanh Mặt Trời (trong khi ngày nay chúng ta biết là do lực hấp dẫn của Mặt Trăng), hay ông khẳng định quỹ đạo các hành tinh là hình tròn (trong khi Kepler chứng minh là hình elip). Ông có ngòi bút hiếu chiến và còn gọi Giáo Hoàng là "Gã Khờ" trong tác phẩm của mình. Câu kết của các bài viết thường là: Giáo Hội kết án Galileo vì ông lại khẳng định Thuyết Nhật Tâm như một chân lý, chứ Giáo Hội vẫn cho phép bàn luận thuyết này như một giả thuyết.
- [message]
- Đó là lỗi của Galileo, còn lỗi của Giáo Hội là gì mà Đức Gioan Phaolô II phải xin lỗi?
- Cần làm rõ một số điều. Giáo Hội hoàn toàn cởi mở với những giả thuyết mới, như khi Copernicus trình bày Thuyết Nhật Tâm, Giáo Hoàng Clement VII rất hưởng ứng. Sau đó Hồng y Nicholas Schönberg cùng nhiều giáo sĩ khác viết thư hối thúc Copernicus công bố ghi chép của mình. Kết quả là quyển sách "Sự chuyển động của các hành tinh" xuất bản năm 1543 mà ông đề tặng người kế vị Clement VII là đức Phaolô III.
Nhưng sau Công Đồng Trentô từ năm 1545-1563, dưới sự bùng nổ của phong trào cải chánh và các giáo phái Tin Lành khác nhau, Giáo Hội trở nên bảo thủ hơn rất nhiều: Kinh Thánh phải được chú giải có hệ thống bởi Huấn Quyền và khẳng định tầm quan trọng của Thần học Kinh viện - vốn đặt nền tảng trên các công trình của triết gia vĩ đại người Hy lạp là Aristotle.
Mặc dù triết gia Aristotle không đúng hoàn toàn, nhưng ông có những đóng góp không thể phủ nhận được, mà quen thuộc nhất với chúng ta là Logic học: các luật logic được đề cập vào đầu chương trình Toán lớp 10, ở các môn về tư duy phản biện, toán rời rạc trên bậc Đại Học, và đặc biệt là trong ngành Khoa học máy tính. Mô hình Địa Tâm của Aristotle cũng đã thống trị giới khoa học từ xưa đến thời của Copernicus.
Giáo Hội lầm lẫn các lĩnh vực trong tác phẩm của Aristotle vì cho rằng nếu Thuyết Nhật Tâm mà đúng, thì tức là Thuyết Địa Tâm của Aristotle sẽ sụp đổ, dẫn đến việc hệ thống triết học của Aristotle cũng sẽ sụp theo, và rồi sau cùng làm hỏng cả nền thần học Công Giáo (nhưng thật ra đây là hai lĩnh vực khác biệt). Nhiều thuật ngữ thần học như "bản thể", "tùy thể", "mô thể", "trừu xuất"... đều bắt nguồn từ triết Aristotle cả. Cho nên tuy công trình của Galileo thuộc lĩnh vực khoa học, nhưng lại được đưa ra trước "Tòa án Dị giáo" - tiền thân của Bộ Giáo lý Đức tin ngày nay. Trong hoàn cảnh trên, Giáo Hội đã tạm thời cấm nhiều sách vở khẳng định Thuyết Nhật Tâm.
Về chú giải Kinh Thánh thì không chỉ Công Giáo, ngay cả trong thế giới Tin Lành cũng mang nhiều quan điểm trái chiều. Martin Luther và John Calvin chỉ trích thuyết Copernicus vì có vẻ nó đi ngược với Kinh Thánh (Joshua 10, 10-15). Một nhà thiên văn nổi tiếng là Tycho Brahe, một người Lutheran, nhấn mạnh việc Trái Đất phải là trung tâm vũ trụ và cho rằng công trình của Galileo không đủ vững chắc; nhưng trong những ngày Copernicus sửa soạn để xuất bản sách, thì một học trò và cộng tác viên đắc lực của ông là một nhà thiên văn Lutheran khác tên Georg Rheticus. Có thể ví việc cộng tác này là hành động Đại Kết đầu tiên.
Nguồn tham khảo: Hỏi Đáp Tôn Giáo
Vatican Observatory, The Galileo Affair. Trang web của Đài Thiên Văn Vatican
Keith Mathison, Luther, Calvin, and Copernicus - A Reformed Approach to Science and Scripture
Mark Wheeler, Nicolas Copernicus article
Bình luận