Có thể bạn chưa biết đã có lúc Giáo Hội có một lúc 3 Giáo Hoàng: đó là vào cuối thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15. Đây là giai đoạn đen tối mà sử h...
Có thể bạn chưa biết đã có lúc Giáo Hội có một lúc 3 Giáo Hoàng: đó là vào cuối thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15.
Đây là giai đoạn đen tối mà sử học gọi là ly giáo tây phương kéo dài từ 1378-1417, do có sự chia rẽ và tranh chấp quyền lực trong giáo triều dẫn tới chia ly giáo triệu thành 2 nơi Roma (Ý) và Avignon (Pháp).
Lý do khai mào là khi giáo hoàng Grêgôriô XI từ Avignon trở về Roma, kết thúc "thời kỳ lưu đày" gần 70 năm của 6 vị giáo hoàng ở Avignon (1309-1376), thì người kế vị là Đức Urban VI là một người Ý được bầu lên. Các hồng y người Pháp khi ấy chiếm đa số trong hồng y đoàn (16/29) đã phản đối kết quả bầu cử và quay về Avignon bầu một hồng y người Pháp làm giáo hoàng là Đức Clemens VII. Từ đây, giáo triều bị chia đôi dẫn tới sự phân ly ngay trong nội bộ giáo hội tây phương.
Các vua chúa và các hồng y trung lập đã cố gắng hòa giải bằng cách kêu gọi một tòa án trọng tài tại công đồng Pisa vào năm 1409. Công đồng kêu gọi hai giáo hoàng ở Avignon và Roma từ chức hay đúng hơn là tước chức vị, và bầu 1 giáo hoàng mới lên, đó là Đức Alexander V, tạm thời đặt ngai tòa ở Pisa (Ý). Tuy nhiên, 2 giáo hoàng ở Avignon và Roma không tuân phục, thế là cùng lúc giáo hội có 3 giáo hoàng.
Tình trạng này gây nên xáo trộn và chia rẽ cả về tôn giáo lẫn chính trị. Một lần nữa các bên trung gian đã kêu gọi triệu tập công đồng Konstanz (1414-1418) để giải quyết dứt điểm vấn đề chia rẽ. Với áp lực của hoàng đế Sigismund và các nghị phụ công đồng, cả 3 giáo hoàng đã buộc phải từ chức và công đồng bầu một giáo hoàng mới là Đức Martin V vào ngày 11/11/1417.
Bài viết: M. Hạnh Tử
Trình bày giọng đọc: Antonio Tran Trinh Trong
Hình minh họa tiêu đề bài viết: 2 giáo hoàng cai trị ở 2 nơi Roma vs Avignon
Bình luận