Danh từ Tin Lành xuất phát từ Việt Nam và hoàn toàn thuần Việt chứ không phải dịch từ tiếng ngoại quốc như các danh từ tôn giáo khác. Đầu nh...
Danh từ Tin Lành xuất phát từ Việt Nam và hoàn toàn thuần Việt chứ không phải dịch từ tiếng ngoại quốc như các danh từ tôn giáo khác. Đầu những năm 20, 30 của thế kỷ XX giáo sĩ Cadman người Canada thuộc Hội Truyền giáo CMA, cùng với văn sĩ Phan Khôi dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt, hai ông không dịch Phúc âm (Evangelical) là "Tin Mừng" như đạo Công Giáo, mà dịch là "Tin Lành". Như thế tên gọi Tin Lành là để phân biệt với Tin Mừng của Công Giáo.
Tin Lành là tên tiếng Việt của Giáo hội Cải Cách (latinh: Reformation hoặc Protestantismus) do linh mục Martin Luther (1483-1546) khởi xướng. Ông là một tu sĩ và linh mục Dòng thánh Augustino. Do bất đồng quan điểm về tín lý và huấn quyền của Giáo Hội mà cụ thể lúc bấy giờ là Đức Giáo Hoàng Lêo X nên vào năm 1517 đã tuyên bố rời bỏ Giáo hội Công giáo và thành lập một giáo hội mới trở lại với nguồn gốc ban đầu. Ông chủ trương chỉ căn cứ vào đức tin (sola fidei) và duy Kinh Thánh (sola scripta). Ông nêu lên 95 luận đề chống lại Công Giáo. Tuy nhiên khác biệt rõ nét và dễ phân biệt nhất là trong vấn đề tín lý (giáo lý) về ơn công chính hóa nên chỉ xin đề cập điểm này.
Khác biệt giữa Tin Lành và Công Giáo
Rất nhiều người Công giáo ở VN chỉ biết Tin Lành khác Công Giáo ở điểm là không tin Đức Mẹ đồng trinh. Nhưng thực ra đây là 1 điểm rất nhỏ nhoi và phát sinh sau này. Trong khi những khác biệt tín lý sau đây mới là nghiêm trọng.
1. Bí tích Rửa Tội làm cho con người trở thành con cái Chúa, nhưng không thanh tẩy tội lỗi như giáo lý Công giáo dạy. Như vậy con người là tội nhân và mãi mãi là tội nhân.
2. Con người được nên công chính nhờ tin (sola fidei) chứ không cần làm gì khác. Nói cách khác, ân sủng Chúa ban cho con người vì đức tin chứ không vì công trạng của họ.
3. Ơn công chính hóa không phải là sự tha tội, mà giống như chiếc áo choàng che phủ bên ngoài, còn bên trong bản chất con người vẫn là tội lỗi. Vậy nên bí tích Giải Tội là không cần thiết và vô tác dụng. Tín hữu không cần xưng tội với linh mục mà chỉ cần thổ lộ riêng tư với Chúa.
4. Phủ nhận ơn vô ngộ của Giáo Hoàng. Theo ông thì chỉ có Chúa mới không sai lầm, còn con người bất kể là giáo hoàng cũng vẫn sai.
5. Không nhìn nhận các Bí tích, ngoại trừ Bí tích Rửa Tội và Thánh Thể. Ông cho rằng các Bí Tích khác là do Giáo hội Công Giáo sáng chế ra chứ không phải do Chúa Giêsu lập. Cần lưu ý là hiện nay Giáo Hội Tin Lành có rất nhiều phái khác nhau và ngày một rời xa giáo lý ban đầu của Martin Luther, chẳng hạn như có giáo phái không còn tin Bí tích Thánh Thể nữa.
6. Không nhìn nhận cơ cấu giáo phẩm Công giáo, từ chối sự độc thân của linh mục và xem việc sống độc thân của các tu sĩ Công giáo là không cần thiết. Các cộng đoàn Tin Lành do các mục sư điều hành và các mục sư được lập gia đình.
Bài đọc: Antonio Tran Trinh Trong
Tác giả: M.Hạnh Tử
Bình luận