Kỉ niệm ngày qua đời của ĐHY Nguyễn Văn Thuận. (16/9/2002 - 16/9/2021) ĐHY Thuận sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17/04/1928. Thân phụ Ngài là ông...
Kỉ niệm ngày qua đời của ĐHY Nguyễn Văn Thuận.
(16/9/2002 - 16/9/2021)
ĐHY Thuận sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17/04/1928. Thân phụ Ngài là ông Nguyễn Văn Ấm và thân mẫu là bà Ngô Đình Thị Hiệp, em ruột của tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ngài được thụ phong linh mục năm 1953 và sau đó được cử đi du học tại Roma và đậu bằng tiến sỹ tại đó năm 1959. Năm 1967 – khi mới 39 tuổi, Ngài được chọn làm Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Tám năm sau, vào ngày 24/04/1975, Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài gòn với quyền kế vị.
Nhưng rồi thay vì vào Sàigòn để nhận nhiệm sở mới Ngài bị bắt, và cũng từ đó bắt đầu một ‘cuộc hành trình gian khổ’ với 13 năm tù giam, tại nhiều trại giam khác nhau, trong đó có chín năm biệt lập, mà không một bản án, không một lần xét xử.
Nhưng cũng chính vì những năm tháng tù đày đó và đặc biệt những gì Ngài cảm nhận và sống trong những ngày lao tù khổ cực ấy, thế giới biết đến Ngài và Giáo hội tôn vinh Ngài.
Sống giây phút hiện tại
Một trong những đức tính của ĐHY Thuận được nhiều người biết đến đó là Ngài luôn đón nhận và vui sống ‘giây phút hiện tại’, dù đó có thể là những giây phút cô đơn, đau khổ, cùng cực nhất.
Theo ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’, một trong những cuốn sách của Ngài được phát hành rộng rãi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Ngài được mời vào Dinh Độc Lập và bị bắt tại đó chiều 15/08/1975. Tối hôm công an đưa Ngài về lại Nha Trang và bị quản thúc tại làng Cây Vông.
Sống xa đoàn chiên trong lúc cô đơn, dày vò, Ngài đã chọn cho mình một quyết định: “sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”, tuy đó không hoàn toàn là một cảm hứng đột xuất, mà là một xác tín Ngài đã ấp ủ ngay từ lúc còn ở tiểu chủng viện.
Trong lúc băn khoăn suy nghĩ, một tia sáng đến với Ngài: “Con hãy bắt chước Thánh Phaolô. Khi Ngài ở tù, không hoạt động tông đồ được, Ngài đã viết thư cho các giáo đoàn”.
Và cũng từ đó, trong suốt hơn một tháng rưỡi, nhờ những tờ lịch cũ mà một bé trai bảy tuổi mang tới, Ngài đã viết “Sứ điệp từ ngục tù” cho giáo dân. Đó là những suy nghĩ, cảm nhận và kinh nghiệm của Ngài về cuộc sống nói chung và đời sống đức tin nói riêng.
Những góp nhặt đó được gói gọn lại trong “Đường Hy Vọng”, một cuốn sách không thể thiếu đối với người Công giáo Việt Nam và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Trong cuốn sách đó, Ngài viết: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại. Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất”.
Chứng nhân của Hy vọng
Và nhờ luôn ‘sống giây phút hiện tại’ đó Ngài không chỉ vượt qua những năm tháng tù giam mà còn luôn yêu thương, bao dung, tha thứ, không trách móc hay oán hận bất cứ ai dù bị bất công đối xử, bị đầy đọa, khổ nhục.
Đó cũng là một đức tính khác của ĐHY Thuận.
Trong Thánh lễ an táng của Hồng y Thuận hồi năm 2002, Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại lời nói của Đức Hồng y: “Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi”.
ĐGH cũng nhắc lại chúc thư tinh thần của ĐHY: “Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse”.
Nhưng có thể nói điều làm cho nhiều người ngưỡng mộ Ngài đó là dù phải sống những năm tháng tù đày, đen tối, Ngài luôn lạc quan, hy vọng.
Cách đây ba năm, khi chính thức chấp nhận việc mở hồ sơ phong chân phước cho ĐHY, ĐGH Benedict XVI đã nói:
“Đức Hồng y Thuận là một con người của Hy Vọng, Ngài sống bằng Hy Vọng, Ngài phổ biến Hy Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài đã chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý.
“Niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ Ngài khi bị cô lập, khi phải xa cách cộng đoàn giáo phận trong 13 năm. Niềm hy vọng đã giúp Ngài nhận thấy trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho mình, có một kế hoạch của Chúa Quan Phòng – Đức Hồng y không hề được xét xử trong thời gian lâu dài bị giam cầm”
Vì những bất công, khổ cực Ngài phải chịu trong lao tù, và trên hết vì những gì Ngài cảm nhận và sống trong năm tháng giam cầm đó, thế giới ngưỡng mộ và Giáo hội tôn vinh Ngài.
Được thả ngày 23/11/1988, và ba năm sau đó (1991) sang Roma chữa bệnh nhưng bị từ chối cho trở lại Việt Nam, Ngài buộc phải ở lại Roma.
Năm 1994. Ngài được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Và bốn năm sau đó Ngài được chọn làm Chủ tịch hội đồng này.
Từ trước đến giờ chưa một người Việt Nam nào được trao một trọng trách như vậy tại Vatican.
Vào tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 – Năm Thánh của Giáo hội, Ngài được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời giảng tĩnh tâm cho Ngài và giáo triều. Chủ đề của bài giảng tĩnh tâm là ‘Hy vọng’.
Đức Hồng y Thuận qua đời ngày 16/09/2002. Khi hay tin Ngài mất, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã tuyên bố với báo chí: “Một vị Thánh vừa qua đời”.
Ba năm sau, đúng vào dịp tưởng nhớ năm năm ngày mất của Đức Hồng y Thuận, Tòa Thánh đã chính thức mở hồ sơ phong chân phước cho Ngài. Và ngày 22/10 này, án điều tra phong chân phước của Ngài được chính thức bắt đầu.
Đó không chỉ là tin vui cho Giáo hội Việt Nam mà cho Giáo hội toàn cầu cũng như những ai yêu chuộng công lý, hòa bình.
Ngoài ra, Đức Hồng y Thuận cũng được các nước trên thế giới, tổ chức quốc tế khác vinh danh bằng cách trao giải thưởng hay lập các tổ chức, quỹ, giải thưởng mang tên hay nhân danh Ngài.
[lock]Theo BBC & Kỹ Năng Sống Công Giáo[/lock]
Bình luận