Đức ông Vincent Trần Ngọc Thụ sinh năm 1918, tại Đông Hải, một họ đạo thuộc xứ Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm.
Linh mục người Việt nào từng được làm thư ký cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II? Đó là Đức ông Vincent Trần Ngọc Thụ.
Đức ông Vincent Trần Ngọc Thụ sinh năm 1918, tại Đông Hải, một họ đạo thuộc xứ Văn Hải cũng là xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm. Năm 1937, ngài được gửi đi du học ở Roma và được phong chức linh mục tại đó khi mới 24 tuổi (năm 1942). Năm 1949 ngài về nước làm giáo sư chủng viện, sau đó làm thư ký riêng cho giám mục Tadeo Lê Hữu Từ. Năm 1957, ngài được mời làm việc tại Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Sài Gòn. Năm 1977, ngài bị trục xuất khỏi Việt Nam, và được Tòa Thánh mời sang Roma. Từ đó ngài làm việc ở Bộ Ngoại Giao của Tòa Thánh Vatican và được phong tước Đức Ông năm 1978.
Năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, người biết rõ và ngưỡng mộ Giáo Hội Việt Nam, đã đặc tuyển Đức Ông Thụ làm thư ký riêng cùng với thư ký I là Đức Ông Stanislaw Dziwisz. Từ đây ngài chuyển vào Vatican, sống trong Tông Điện, bên cạnh Đức Giáo Hoàng. Công việc đặc thù của Đức Ông Thụ là chuyển giao qua lại giấy tờ từ Bộ Quốc Vụ Khanh tới Đức Giáo Hoàng và luân phiên với đệ nhất bí thư tháp tùng Đức Thánh Cha ở trong cũng như ngoài Vatican. Vì thế người ta hay thấy ngài đứng ngồi bên cạnh Đức Giáo Hoàng, trao tay và giữ lấy các bài diễn văn cùng các đồ vật người giao phó, cũng như dẫn lối cho các quan khách vào gặp Đức Giáo Hoàng. Đây là việc rất tế nhị và đòi hỏi nhiều khả năng cao, nhất là sự đáng tin cậy.
Vì được phúc ở cạnh bên Đức Giáo Hoàng, Đức Ông Thụ, vốn là Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam. Lời thỉnh cầu đã được Đức Gioan Phaolô II cùng Tòa Thánh chấp thuận và việc phong thánh đã long trọng diễn ra ngày 19/6/1988 tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Roma.
Đức Gioan Paolô II tin tưởng Đức ông Thụ và yêu thương nước Việt Nam một cách đặc biệt: ngài viết chữ "VIETNAM" vào một mảnh giấy đặt vào bàn quỳ trong nhà nguyện riêng và để một linh mục người Việt ở bên cạnh cho hằng nhắc nhớ. Năm 1980, trong dịp các Giám Mục Việt Nam về thăm Tòa Thánh (Ad Limina), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã bất ngờ ghé thăm các vị tại nhà khách Foyer Phát Diệm (ở Roma) như một sự động viên ưu ái cách riêng cho Giáo Hội Việt Nam.
Từ khi nghỉ hưu, cũng ngày 4/2/1996, Đức Ông Thụ được làm "Canonico di S. Pietro" (Kinh Sĩ Đền Thánh Phêrô), vai trò vẫn dành riêng cho các chức sắc từng có công trạng lớn với Giáo Hội. Nhà ở cho các kinh sĩ này nằm sát Đền Thánh Phêrô để thuận tiện cho các bô lão tới lui hợp nguyện theo lề luật.
Tuy công việc khá bận rộn, nhưng Đức Ông Thụ vẫn giành thời gian đọc và viết sách. Những tác phẩm ngài viết, những lô sách đã in mà chưa tiêu thụ xong đều được ngài giữ gìn kĩ lưỡng. Khi ngài qua đời, phải nhiều chuyến xe mới chở hết các món sách đó. Hoá ra trọn món tiền dành dụm được trong đời, ngài đã dùng hết vào việc in sách, đặc biệt cuốn hình "Kỷ Yếu Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam" rất đắt tiền, mà sách ngài làm ra là để biếu tặng và phát không cho nhiều người như việc giảng đạo truyền giáo. Thế nên không sai nếu ai sánh ví các tác phẩm đó như những đứa con tinh thần của ngài và ngài để lại làm gia sản vô giá cho mọi độc giả gần xa. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận từng biết rõ Đức Ông Thụ, và thường lấy ngài làm tấm gương cho các tu sĩ Việt Nam ở Roma, Đức Hồng Y nói: "Đức Ông Thụ chăm chỉ làm việc cả ngày, tối đến lại ngồi trầm tư viết sách: thực là gương sáng cho chúng ta".
Đức Ông Vincent Thụ qua đời tại Roma vào năm 2002, hưởng thọ 84 tuổi.
Tác giả: M. Hạnh Tử
Trình bày đọc: Antonio Tran Trinh Trong
Bình luận