Theo hồi ký của Cha Giuse Phạm Minh Công, Chánh xứ Gx. An-Khê, Gp. Kontum : Vào đầu năm 1971, tôi đang là Cha phó Giáo xứ Phương Nghĩa, đ...
Theo hồi ký của Cha Giuse Phạm Minh Công, Chánh xứ Gx. An-Khê, Gp. Kontum :
Vào đầu năm 1971, tôi đang là Cha phó Giáo xứ Phương Nghĩa, đặc trách trường Trung học Lê Hữu Từ của giáo xứ, Đức Cha Paul Seitz (Kim) gọi tôi vào trao cho tôi bài sai làm Tuyên úy Quân đội (Việt Nam Cộng Hòa) thay cho hai cha Nghĩa và cha Văn. Như thế tôi sẽ kiêm 2 nhiệm vụ: Một là lo mục vụ cho Tiểu khu Kon Tum (thay cha Nghĩa), hai là thế cha Văn lo “phần thiêng liêng” cho sư đoàn 22, 23 bộ binh có hậu cần tại Kon Tum. Tiểu khu Kon Tum lúc đó có 3 tiền đồn là Đakpek, Tumơrông và Măng Đen: Măng Đen là tiền đồn gần nhất tôi năng đi lại nhiều hơn. Phương tiện duy nhất là máy bay trực thăng.
Tôi chính thức nhận nhiệm vụ vào ngày 01/05/1971. Cứ mỗi dịp mùa vọng và mùa chay tôi thường lui tới các tiền đồn để giải tội và dâng lễ cho anh em quân nhân và gia đình đồn trú tại đó. Hai ba lần tôi đã mời Đức Cha cùng đi theo. Ngài luôn sẵn sàng. Dịp mùa vọng đầu tiên sau khi nhận chức, tôi được Cha Tôma Lê Thành Ánh, Tuyên úy Quân Đoàn II, tặng tôi bức tượng Fatima, cao khoảng trên 1m, tôi đem lên tiền đồn Măng Đen và hô hào anh em quân nhân xuống bờ sông suối gần đó, thu gom các cục đá, chuyển lên phía đường biên của tiền đồn để xây dựng một trụ đài đơn sơ như hiện còn tới ngày nay. Rồi tôi đặt tượng Đức Mẹ lên và làm phép tượng đài. Ngoài các quân nhân đồn trú tham dự, còn có vài anh em ở Tiểu khu đi công tác cũng có mặt trong đó có anh Nguyễn Đình Quyền thuộc đơn vị hành chánh tiểu khu lên phát lương.
Đúng ngày lễ Thánh gia thất năm đó, tôi mời Đức Cha lên thăm anh em quân nhân tại tiền đồn này và dâng lễ cho anh em, đa số là người dân tộc. Đức Cha giảng bằng tiếng kinh. Đức Cha bắt tôi phiên dịch sang tiếng Bahnar, tôi bất đắc dĩ phải vâng lời và dịch “rất thoáng” theo mấy từ tôi mới học bập bẹ được. Mỗi lần đi với Đức Cha thì chỉ giới hạn một vài tiếng đồng hồ, nên chẳng có giờ ra ngoài chiến tuyến viếng Đức Mẹ.
Sau chiến cuộc 1975, đồn Măng Đen thất thủ, mấy anh em chạy từ đó về có nói với tôi rằng: Đức Mẹ đã bị trúng đạn cụt tay… lúc đó tôi đang lu bu lo chuẩn bị sẵn đồ cá nhân để đi vào tù.
Nhân đây, tôi cũng xin kể lại tình hình chiến sự tại núi Cữ Pao, Dè Sao Mai. Đây là một ngọn núi khá cao trong vùng, có những hốc đá lớn có thể làm nơi tránh bom đạn. Vì gần Thị xã Kon Tum, nên tôi cũng hay đi lại, Tôi nghĩ đặt một tượng Đức Mẹ ở trên đỉnh núi đó thì thật là tuyệt vời. Tôi liền gặp Cha Luca Bùi Thủ, đang là Cha xứ Tân Hương, xin cha nhượng cho tôi bức tượng Đức Mẹ ban ơn lành cao tới trên 2m hiện ở trước mặt tiền của nhà thờ. Ngài đồng ý và tôi đã mau chóng đưa Đức Mẹ lên đỉnh núi. Chưa kịp đặt lên bệ cao thì tình hình chiến sự căng thẳng, tôi không có dịp lên đó nữa. Nghe nói, anh em quân nhân trên đó cũng đã đặt Đức Mẹ lên một tảng đá lớn. Sau 1975 thì bị hai du kích bắn phá, và Đức Mẹ bị xô xuống vực, chỉ còn sót lại ít mảnh vụn rêu phong. Hai du kích đó khi trở xuống núi, đã bị trúng mìn chết tại chỗ!
An Khê, ngày 03 tháng 07 năm 2011
---------------------------------
Mãi đến những năm đầu 1980 người dân ở đây mới tìm thấy bức tượng và bảo tồn. Tượng Đức Mẹ Măng Đen được làm bằng bê tông cốt thép, cao khoảng 1 mét. Tượng được đặt trên một bệ tượng làm bằng xi măng kết với các đá cuội tự nhiên. Phần thân tượng mang điểm hình dáng dấp của tượng Đức Mẹ Fatima, nhưng phần đầu được phục chế lại mang khá nhiều hình dáng phụ nữ vùng Tây Nguyên Việt Nam. Phần tay tuy được phục chế nhiều lần, nhưng về sau được giữ nguyên hình dáng tay cụt. Nhiều giáo dân cho rằng với hình dáng cụt tay như trên, làm liên tưởng đến hình tượng Đức Mẹ cầu bầu cho con người bất hạnh mắc các bệnh như; phong cùi, HIV/AIDS...
[lock]Nguồn: Facebook Hỏi Đáp Tôn Giáo[/lock]
Xem thêm bài viết về [Đức Mẹ Măng Đen ##eye##]
Bình luận