Có thể bạn từng nghe người vô thần hỏi rằng: Nếu Chúa tồn tại, liệu Người có thể tạo ra một tảng đá nặng đến mức chính Người cũng không nhấc...
Có thể bạn từng nghe người vô thần hỏi rằng: Nếu Chúa tồn tại, liệu Người có thể tạo ra một tảng đá nặng đến mức chính Người cũng không nhấc lên được?
Chắc là có, bởi vì một vị thần toàn năng có thể làm bất cứ điều gì, vậy rõ ràng Người có sức mạnh để nâng bất cứ hòn đá nào. Nhưng cũng chính vì sự toàn năng của mình, Người cũng phải có sức mạnh để tạo ra một thứ đủ nặng mà chính Người cũng sẽ không nhấc lên được.
Trả lời thế nào với Nghịch lý tảng đá?
Nói một cách tổng quát, nếu Chúa có quyền năng làm mọi điều thì trong đó cũng bao gồm cả việc ngăn chặn chính những điều Ngài có thể làm. Nhưng nếu Chúa làm được điều đó, thì Người tất nhiên đã bị hạn chế và không phải Đấng toàn năng. Còn nếu Người không làm được thì rõ ràng Người cũng chẳng toàn năng gì. Chúng ta có thể giải thích về nghịch lí này như thế nào? Không ít các nhà Toán học, Triết học, Khoa học bận tâm về nó. Nó có vẻ khá mạnh mẽ để chứng minh Chúa hay bất cứ Đấng toàn năng nào không tồn tại. Chúng ta se xem xét câu trả lời thuần lý luận và triết học.
Lời giải cho nghịch lý tảng đá (còn gọi là nghịch lý Đấng toàn năng)
Thoáng qua, nghịch lí có vẻ rất hấp dẫn và có lí ở cái nhìn đầu tiên, tức là phủ nhận sự tồn tại của Chúa. Tuy vậy, vấn đề then chốt chính là ở Chúa và chúng ta cần phải làm rõ thế nào là “toàn năng”?
Triết học hiểu “toàn năng” theo nhiều cách khác nhau.
Nhà Toán học René Descartes cho rằng “toàn năng” nghĩa là có khả năng làm được bất cứ điều gì. Theo ông, logic của Chúa hoạt động một cách khả thi lẫn bất khả thi, Chúa có thể tạo một “hình vừa tròn vừa vuông” hay có thể định nghĩa 2+2=5.
Triết gia, Tiến sỹ Hội thánh Thomas Aquinas thì có một quan điểm có vẻ hẹp hơn về “toàn năng”. Theo Aquinas, Chúa có thể làm bất cứ điều gì, Người có thể biến đại dương có màu đỏ, có thể hồi sinh người chết nhưng Người không thể vi phạm luật logic và Toán học theo cách mà Descartes nghĩ là có thể, và quan trọng là Người không làm điều gì mâu thuẫn với bản chất của Người.
Nếu quan điểm của Descartes là đúng thì mọi nỗ lực sử dụng logic để bác bỏ sự tồn tại của Chúa là vô vọng. Nếu Chúa có thể biến logic hoạt động theo bất cứ cách nào thì Người có thể tạo ra một tảng đá đủ nặng mà Người có thể nâng được lẫn không nâng được và như vậy, Chúa có thể làm được mọi thứ. Đó hiển nhiên là một mâu thuẫn, nhưng thế thì sao chứ? Vì Chúa toàn năng (theo cách hiểu mà ta đang bàn) có thể làm mâu thuẫn trở thành chân lí.
Cách hiểu của Descartes về “toàn năng” theo trên vì thế mà không tác động gì đến Nghịch lí tảng đá. Descartes có thể trả lời “Có” cho sự tồn tại tảng đá bất khả đó mà chẳng ảnh hưởng gì đến toàn năng của Chúa.
Còn với quan niệm của Aquinas, phổ biến hơn quan niệm của Descartes, là cũng thừa nhận sự tồn tại nghịch lí tảng đá. Vì nếu Chúa tồn tại thì Người có thể nâng mọi tảng đá. Còn tảng đá mà Người không thể nâng được là một vật thể bất khả, không tồn tại vì mâu thuẫn với bản chất của Người. Theo quan điểm của Aquinas, Chúa có thể làm bất cứ điều gì nhưng vẫn phải tuân thủ logic, còn những gì không thể, phi logic, như tạo ra tảng đá mà Chúa không nâng được là không thể nào. Aquinas có thể trả lời “Không” cho sự tồn tại tảng đá bất khả nhưng không ảnh hưởng gì đến toàn năng của Chúa.
Với cả hai quan điểm "toàn năng" thì Nghịch lí tảng đá, như thế, đã được giải quyết, nó không cho thấy một mâu thuẫn nào trong quan điểm hữu thần của Thiên Chúa, nhưng nghịch lý này cũng không chứng minh được là Chúa tồn tại. Tóm lại, nếu dựa hoàn toàn vào triết học và lý luận, chúng ta sẽ không (có thể là không bao giờ) chứng minh hay bác bỏ được sự tồn tại của Chúa bằng nghịch lý tảng đá này.
Sưu tầm từ nhiều nguồn.
Trình bày giọng đọc: Antonio Trần Trịnh Trọng
Bình luận