Hỏi: vì sao người Công Giáo không nên ngại ngùng khi được (hay bị) gọi là con chiên. Trả lời: Trong phần hỏi thăm dò, hầu hết các bạn đều ch...
Hỏi: vì sao người Công Giáo không nên ngại ngùng khi được (hay bị) gọi là con chiên.
Trả lời:
Trong phần hỏi thăm dò, hầu hết các bạn đều chọn đáp án là "cảm thấy hãnh diện vì ý nghĩa thiêng liêng của danh xưng ấy“. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người trong số các bạn chưa phải đương đầu với những lời miệt thị mỉa mai của những người không có thiện cảm với đạo, hoặc bị nhồi sọ những tư tưởng sai lạc về đạo. Họ gọi người Công Giáo là chiên, theo nghĩa mỉa mai rằng các tín hữu ngu học, thiếu hiểu biết và mê tín nên bị các linh mục lợi dụng, dắt mũi và xúi dục.
Những ai đã từng phải nghe hay đọc những lời miệt thị có thể sẽ cảm thấy bức xúc. Tuy nhiên, hi vọng những phân tích sau đây sẽ giúp các bạn cảm thấy thoải mái hơn và có thể "thông não“ cho những kẻ chống báng – nếu họ có thiện chí đối thoại. Còn với những "con vẹt“ lải nhải những lời vô nghĩa mà không muốn tìm hiểu, thì chúng ta đừng tốn lời phí sức. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện cho họ, bởi "họ lầm không biết“.
Hình ảnh con chiên được các ngôn sứ dùng làm biểu tượng nói về dân riêng của Thiên Chúa (dân Israel), rồi sau này chính Chúa Giêsu dùng để nói về những ai tin theo Ngài. Lý do con chiên được chọn làm biểu tượng là vì nó gần gũi với dân Do Thái – dân du mục. Kèm theo đó là yếu tố tôn giáo – con chiên là một trong những lễ vật được dùng trong tế tự, đặc biệt là trong Lễ Vượt Qua, một ngày lễ đặc biệt của dân Israel.
Đặc tính của chiên cừu là hiền lành và gần gũi. Thậm chí ngay cả khi bị xén lông hay bị làm thịt, chúng vẫn không kêu la hoảng loạn như các loài vật khác. Sự hiền lành và ngây thơ của con chiên không phải là biểu tượng của tín hữu Do Thái và Công Giáo, mà đúng hơn là vai trò của nó trong phụng vụ, đặc tính hi sinh – làm lễ vật dâng cho Thiên Chúa. Người tín hữu cũng được mời gọi hi sinh cho Chúa và cho mọi người bằng sự hãm mình và nhất là bằng tình yêu tha nhân.
Tuy nhiên, không phải chỉ có tín hữu mới được gọi là chiên, mà biểu tượng này áp dụng cho cả các linh mục, giám mục, hay giáo hoàng. Tất cả người Công Giáo đều là chiên của Thiên Chúa, mà vị mục tử tối cao là Chúa Kitô. Ngài là Mục Tử Nhân Lành, dám hi sinh tính mạng vì đàn chiên. Tiếp đó, hàng giáo sĩ (linh mục, giám mục, giáo hoàng) một mặt là con chiên trong đàn chiên của Chúa, mặt khác là mục tử đại diện Chúa Kitô coi sóc Giáo Hội. Đây là điểm mà nhiều người ngoại không biết, họ cứ nghĩ danh từ chiên chỉ áp dụng cho các tín hữu, và do đó mới có ý mỉa mai là tín hữu bị các linh mục dắt mũi.
Điểm đặc biệt nhất khiến chúng ta không xấu hổ vì hình ảnh con chiên, là chính Chúa Kitô – Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đã hạ mình đồng hóa với chúng ta. Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Chiên Lễ Vượt Qua được sát tế để tẩy xóa tội lỗi nhân loại. Như vậy, Ngài hạ mình nên giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi. Ngài là chiên đầu đàn chịu sát tế thay cho đàn chiên. Đây là điểm đặc biệt và rất sâu sắc mà không phải ai cũng lưu ý, đặc biệt những người ngoại không hiểu biết về đạo.
Như thế, chúng ta không ngại ngùng mà trái lại tự hào vì ý nghĩa của con chiên, bởi chính Con Thiên Chúa cũng đã mang lấy danh xưng ấy. Ngài không hề xem chúng ta là những con chiên để Ngài là mục tử tùy ý sử dụng, lợi dụng và bóc lột. Mà trái lại, Ngài hi sinh mạng sống cho chúng ta. Ngài đồng hóa với chúng ta, chia sẻ đau khổ của chúng ta. Linh mục, giám mục và giáo hoàng cũng là con chiên của Chúa, và đại diện Chúa hướng dẫn linh hồn chúng ta.
M. Hạnh Tử
Bình luận