Phong trào Maria 2.0 ở Đức Khi thấy ký hiệu 2.0, có lẽ các bạn đều có thể hình dung được ý nghĩa của nó, bởi nó tương tự như ký hiệu của cá...
Phong trào Maria 2.0 ở Đức
Khi thấy ký hiệu 2.0, có lẽ các bạn đều có thể hình dung được ý nghĩa của nó, bởi nó tương tự như ký hiệu của các dòng sản phẩm (software hay điện thoại). Maria 2.0 nói tới quan điểm „Maria thế hệ thứ 2“ như một sự canh tân.
Theo quan điểm của họ Maria 1.0 truyền thống là mẫu phụ nữ cam chịu và im lặng, còn Maria 2.0 là mẫu phụ nữ dám lên tiếng đấu tranh.
Phong trào này ra đời ở Đức vào năm 2019 do một nhóm phụ nữ khởi xướng, với chủ trương đấu tranh cho quyền của phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo. Tháng 5 năm 2021, một vài người phụ nữ của phong trào này đã lặp lại hành động của Martin Luther, khi dán các luận đề của họ lên cửa nhà thờ và tuyên bố họ muốn làm một cuộc canh tân như ông.
Phong trào này nêu lên 7 luận đề như sau:
1. Công bằng – công bằng phẩm giá và công bằng quyền lợi
"Mọi người trong Giáo Hội đều có quyền lợi như nhau – phụ nữ cũng có quyền lãnh chức thánh và thi hành quyền bính"
Luận đề này yêu cầu truyền chức linh mục cho phụ nữ.
2. Dự phần vào - trách nhiệm chung
"Trong Giáo Hội mọi người đều dự phần vào trách nhiệm chung, quyền bính phải được phân chia. Giáo sĩ trị là vấn đề cốt lõi gây nên sự lạm quyền trong Giáo Hội"
Luận đề này yêu cầu cho phân chia quyền bính, cho phụ nữ tham gia vào việc điều hành.
3. Uy tín – Lối hành xử cẩn trọng và sự minh bạch
"Tội lạm dụng tính dục phải được điều tra rõ ràng và phải chịu trách nhiệm đền bù. Cần xử lý tận căn. Bởi đã từ quá lâu nay Giáo Hội trở thành „địa điểm của tội lạm dụng tính dục“. Quyền bính Giáo Hội luôn che đậy tội lỗi này và từ chối trách nhiệm"
Luận đề này tố các Giáo Hội che đậy tội lạm dục tính dục của các giáo sĩ, nhưng nó đã cực đoan và xuyên tạc khi nói rằng đây là tội phổ biến trong Giáo Hội, trong khi tỉ lệ phạm tội này ở ngoài xã hội nhiều hơn gấp trăm lần.
4. Bị trói buộc – sống trong những mối quan hệ giới hạn
"Giáo Hội cho thấy một thái độ đề cao và công nhận chủ quan về tình dục và hôn nhân. Vì luân lý tính dục của Giáo Hội xa lạ với thực tế cuộc sống. Giáo lý này không hướng tới nhân vị con người và phần đa các tín hữu không thể tuân giữ."
Luận đề này đòi hỏi Giáo Hội phải cởi mở hơn trong giáo lý về tính dục và hôn nhân – họ cổ võ một sự thừa nhận tự do tình dục và hôn nhân.
5. Sống gần gũi – bỏ luật độc thân (linh mục)
"Trong Giáo Hội, nếp sống độc thân không phải là điều kiện để thực thi sứ vụ của chức thánh. Vì luật độc thân ngăn cản con người theo đuổi ơn gọi. Ai không giữ được luật này thường bị hắt hủi và rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng"
Luận đề này đòi bỏ luật độc thân linh mục.
6. Có trách nhiệm – phương thức kinh tế phù hợp
"Giáo Hội làm kinh tế theo các tiêu chuẩn Kitô giáo. Hội Thánh là người quản lý những tài sản được trao phó, nhưng nó không thuộc sở hữu của Hội Thánh. Vì các giao dịch tài chánh không rõ ràng, làm giàu cho các vị giáo sĩ, đã làm suy giảm uy tín của Hội Thánh và đánh mất niềm tin của tín hữu"
Luận đề này tố cáo Hội Thánh không rõ ràng trong vấn đề kinh tế tài chánh, nhưng luận đề này rất mơ hồ, giới hạn trong một vài giáo hội địa phương chứ không phải toàn thể.
7. Liên đới – với con người, xã hội và môi trường
"Bổn phận của chúng ta là sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hành xử dựa theo tiêu chuẩn ấy và dám tham dự vào những cuộc đối thoại xã hội. Vì Quyền bính Hội Thánh đã đánh cược với uy tín của mình, nên tiếng nói của Hội Thánh không còn được lắng nghe và không đủ thuyết phục để có thể xây dựng một thế giới công chính theo Phúc Âm"
Luận đề này chỉ trích Tòa Thánh tự làm mất đi tầm ảnh hưởng vì quá cố chấp và quá tự tin.
Kết luận: Tan rã
Mặc dù khi mới ra đời, phong trào này gây nên được một chút tiếng vang nhất định ở Đức và các nước lân cận. Tuy nhiên vì chủ trương của phong trào đi lạc xa truyền thống Công Giáo và có những chủ trương cực đoan, đặc biệt là đòi phong chức linh mục cho nữ giới và tự do tình dục + hôn nhân, nên phong trào bị nghi ngờ và né tránh. Không lâu sau khi dán các luận đề lên cửa nhà thờ, người sáng lập phong trào này tuyên bố bỏ đạo và cũng đồng thời tuyên bố không tham gia phong trào Maria 2.0 nữa.
M. Hạnh Tử
Bình luận