Chủ nghĩa hoài nghi hữu thần và "No-see-um" Tất nhiên là người vô thần có thể nói là ngay cả khi có những lý do chính đáng để biện...
Chủ nghĩa hoài nghi hữu thần và "No-see-um"
Tất nhiên là người vô thần có thể nói là ngay cả khi có những lý do chính đáng để biện minh cho sự dữ tự nhiên (natural evils) nói chung, thì điều đó không giống như việc mình phải chứng minh Chúa có lý do chính đáng để cho phép những sự dữ tự nhiên hay do con người diễn ra trong những trường hợp cụ thể (ví dụ như Sóng thần Ấn Độ Dương 2004, hay cuộc thảm sát Hô-lô-cau,...). Vấn đề ở đây là không có lý do chính đáng nào cho những sự dữ như vậy, vì các lý do đó lại không rõ ràng, minh bạch với chúng ta.
( xem lại phần 1 )
Nhưng mình hãy xem xét một hiện tượng gọi là "no-see-um" (tiếng Việt gọi là họ dĩn), một thuật ngữ được sử dụng bởi nhà triết học Kitô giáo Alvin Platinga. Nó chỉ về những loài côn trùng mà tuy chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại cắn rất đau. Bài học về loài "no-see-um" là chỉ vì bạn không thể nhìn thấy thứ gì đó, thì không có nghĩa là thứ đó không tồn tại.
Khi mình đứng ở khu vườn sau nhà và không nhìn thấy con voi nào, thì mình có lý lẽ khi nói, "Không có con voi nào ở sau vườn." Nhưng nếu mình nói, "Tôi không nhìn thấy con kiến nào ở sau vườn.", thì mình không có lý lẽ khi nói, "Không có con kiến nào ở sau vườn." Có thể là có một con kiến ở sau vườn nhà mình đấy, nhưng vì chúng quá nhỏ nên mình không thể nhìn thấy nó. Khi nói đến những lý do chính đáng mà Chúa dùng để cho phép những sự dữ cụ thể tồn tại, thì chúng ta phải hỏi, "Những lý do đó có thể rõ ràng như một con voi, hay là không thể nhìn thấy rõ ràng như con kiến?"
Cách tiếp cận với lập luận dựa trên bằng chứng cho sự dữ này gọi là chủ nghĩa hoài nghi hữu thần. Con người bị giới hạn bởi thời gian và không gian, chúng ta đang không đứng ở một vị trí tốt để thấy những sự dữ bị cho là vô nghĩa, lại có thể đưa đến sự lành tốt hơn trong tương lai như thế nào; nó giống việc chúng ta không đứng ở một vị trí tốt ở sau vườn để nhìn thấy một con kiến. Số lượng những kết quả mà được tạo ra từ những biến cố bị xem là không quan trọng, thì nó đơn thuần là vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta.
Chẳng hạn như thi thoảng tôi vẫn ngẫm nghĩ là nếu bà cố của vợ tôi quyết định đặt vé đi trên chuyến tàu Titanic thì sẽ như thế nào. Thật đáng ngạc nhiên khi nghĩ đến những tác động đến tương lai (chẳng hạn như việc con trai tôi được sinh ra) sẽ khác đi dữ dội đến mức nào nếu bà cố thực hiện một lựa chọn nghe có vẻ giản đơn như vậy. Đây chỉ là một ví dụ nho nhỏ, nhưng cũng đủ cho ta thấy sự dữ tồn tại ngày nay có thể có những tác động trong hàng trăm, hàng nghìn năm nữa mà chúng ta chưa thể hiểu hay dự đoán trước được.
(KN Note: tưởng tượng thôi, nếu vào năm 1911, ông phụ bếp Van de Bar bị trượt chân té và không thể lên tàu Latouche-Tréville như dự tính thì tình hình đất nước Việt Nam ngày nay sẽ phát triển như thế nào. Chỉ một sự kiện mô phỏng nho nhỏ là một phụ bếp bị ngã, nhưng những kết quả kéo theo thì có thể thật to lớn)
Tóm lại, trong lập luận dựa trên bằng chứng cho sự dữ thì họ dựa vào việc người vô thần có thể chứng minh rằng rất khó có "lý do chính đáng để biện minh cho những sự dữ nghiêm trọng." Nhưng con người chúng ta không đứng ở một vị trí đủ tốt để tiếp thu tri thức, nên chúng ta chưa thể nhận biết được các lý do chính đáng đó. Do đó, lập luận dựa trên bằng chứng cho sự dữ không thể bác bỏ sự tồn tại của Thiên Chúa.
Lật ngược vấn đề
Cuối cùng, người hữu thần có thể đảo ngược lập luận của Rowe như sau:
Mệnh đề 1: Nếu sự dữ vô ích tồn tại, thì Chúa không tồn tại
Mệnh đề 2: Chúa có tồn tại
Kết luận: Sự dữ vô ích không tồn tại.
Bởi vì lập luận dựa trên bằng chứng cho sự dữ chỉ cố gắng thể hiện rằng Chúa khó có khả năng tồn tại (chứ không phải là không thể tồn tại), nên để công bằng thì những bằng chứng cho sự tồn tại của Chúa nên được đem ra bàn luận. Một bằng chứng quan trọng sẽ là các khái niệm về sự dữ khách quan, sự lành khách quan, và luân lý khách quan để mà chúng ta có thể cho phép sự dữ xảy ra để đạt được sự lành tốt hơn hoặc để ngăn chặn một sự dữ mạnh hơn. Một lập luận luân lý thành công cho sự tồn tại của Chúa có thể cho thấy rằng hệ thống luân lý mà lập luận dựa trên bằng chứng phụ thuộc vào, thì chỉ hòa hợp trong hệ thống hữu thần.
Từ bài viết Why Horrible Suffering Does Not Disprove God's Existence của Trent Horn, một người vô thần cải đạo sang Công Giáo.
Bài đọc: Antonio Tran Trinh Trong
Bình luận