Có thể chúng ta rất hay nghe người vô thần hỏi: "Nếu Chúa tồn tại, tại sao Chúa cho phép sự dữ như chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch xả...
Có thể chúng ta rất hay nghe người vô thần hỏi: "Nếu Chúa tồn tại, tại sao Chúa cho phép sự dữ như chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch xảy ra?"
Đây còn gọi là bài toán sự ác - problem of evil, và đến nay vẫn là đề tài tranh luận giữa các nhà triết học hữu thần và vô thần.
Có một lần tôi và vợ xem một trận bóng mà đội nhà đã dẫn trước đội khách đến 8 quả. Thế là chúng tôi quyết định đi lấy xe ra về ngay vì không muốn phải chen chúc trong biển người sau khi trận đấu kết thúc. Mẹ vợ tôi gọi điện: "Ai thắng vậy?", tôi trả lời: "Đội nhà thắng rồi mẹ." Vợ tôi hỏi: "Sao anh biết chắc chắn đội nhà thắng vậy, trận đấu đã xong đâu?"
Vợ tôi nói có lý đấy. Vẫn tồn tại khả năng là đội khách thể hiện một cú lội ngược dòng ngoạn mục và thắng đội nhà, hay là các cầu thủ ngôi sao của đội nhà đồng loạt bị chấn thương và không còn có thể thi đấu. Đúng, điều này vẫn có khả năng xảy ra, nhưng với xác suất rất thấp, cho nên tôi có thể an toàn mà nói rằng: đội nhà đã chiến thắng.
Những người vô thần dùng lối tư duy tương tự để bác bỏ sự tồn tại của Chúa. Lý luận của họ dựa trên những sự dữ xảy ra triền miên và áp đảo ngày nay để cho rằng Chúa không có khả năng tồn tại.
Lập luận dựa trên bằng chứng cho sự dữ
Nhà triết học tôn giáo William Rowe thừa nhận: "Có một lập luận khá thuyết phục rằng sự tồn tại của cái ác vẫn hòa hợp về mặt logic với sự tồn tại của Chúa." Tuy nhiên, Rowe cho rằng, mặc dù về mặt logic là Chúa có lý do chính đáng để cho phép sự dữ tồn tại trên thế giới, nhưng ông không thể tin là lại có một thể loại lý do "vĩ đại" để biện minh cho những đau khổ mà loài người ngày nay phải chịu.
Kết quả là, sẽ phù hợp hơn khi nói rằng Chúa không tồn tại còn hơn là một vị Chúa hoạt động với lý do không rõ ràng. Rowe gọi đây là "lập luận dựa trên bằng chứng cho sự dữ", tức là thay vì nói sự dữ tồn tại dẫn đến việc Chúa không tồn tại, thì mình nói là lượng bằng chứng cực kỳ nhiều về sự dữ diễn ra khiến cho sự tồn tại của Chúa hầu như là không thể. Có thể tổng kết lập luận này như sau:
Mệnh đề 1: Nếu sự dữ vô ích tồn tại, thì Chúa không tồn tại.
Mệnh đề 2: Sự dữ vô ích tồn tại
Kết luận: Chúa không tồn tại
Theo Rowe, mặc dù Chúa có thể cho phép một số sự dữ xảy ra để phục vụ cho mục đích tốt hơn, như việc Chúa ban cho con người ý chí tự do, nhưng lại có một số sự dữ chẳng mang lại mục đích tốt nào. Đây gọi là sự dữ tự nhiên (natural evils), và chúng không phải do con người gây ra, như là thiên tai hay các căn bệnh nan y, và qua dòng lịch sử chúng đã khiến cho rất nhiều người chết.
Rowe lập luận những sự dữ như trên thì không mang lại điều tốt nào, do đó sẽ thích hợp hơn khi mình nói rằng Chúa không tồn tại. Mặc dù Rowe không thể chứng minh những sự dữ này là vô nghĩa như chúng ta chứng minh 1 + 1 = 2, ông vẫn cho rằng với số lượng bằng chứng sự dữ to lớn, việc mà Chúa có thể tồn tại là cực kỳ khó.
Có sự dữ vô ích không?
Đa số các triết gia hữu thần sẽ phản bác Mệnh đề 2, tức là cho rằng sự dữ vô ích tồn tại (có một cách khác là phản bác Mệnh đề 1 của Peter van Inwagen, sẽ đề cập ở bài sau).
Chúng ta sẽ hỏi rằng, "Làm sao chúng ta biết được những sự dữ này là vô ích?" Sau tất cả thì ít nhất chúng ta có thể hiểu được những lý do chính đáng để thấy rằng Chúa cho phép sự dữ tự nhiên tồn tại.
Chẳng hạn, những sự dữ tự nhiên có thể góp phần xây dựng nhân cách của chúng ta và giúp chúng ta phát triển những đức tính tốt đẹp (đây còn gọi là thuyết "xây dựng tâm hồn", soul-making theodicy). Hãy nghĩ đến những người đã quên mình mà bỏ thời gian, tiền bạc, hay thậm chí là những giọt máu để giúp đỡ các dự án cứu trợ thiên tai. Chúng ta thấy sự trắc ẩn như vậy là tốt tự bản chất. Và khi con người tự do lựa chọn làm những việc như vậy, thì họ có thể dần thay đổi nhân cách và dẫn đến điều tốt đẹp là họ trở thành những người sống đạo đức. Trên thực tế, những đức tính mà giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn đã được thực hiện để đẩy lùi những sự dữ. Lấy vài ví dụ:
- Dũng cảm: Làm điều đúng trong hoàn cảnh hiểm nguy
- Sự trắc ẩn: Cùng chịu đau khổ với người khác
- Tình yêu thương: Đặt ích lợi của người khác lên trên ích lợi của bản thân
Hơn nữa, những sự dữ tự nhiên có thể là kết quả chấp nhận được khi chúng ta sống trong một thế giới được điều hành bởi các quy luật tự nhiên, nhưng thiếu vắng sự can thiệp cho không từ Thiên Chúa. (như lửa có thể sưởi ấm chúng ta nhưng cũng có thể giết chúng ta trừ khi Chúa can thiệp một cách thần kỳ mà làm lửa vụt tắt). Một thế giới như vậy có thể là một nơi lý tưởng cho các tác nhân đạo đức để sống, để phát triển về nhân đức, và điểm tận cùng là nhận biết Đấng đã sáng tạo ra nó. Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo trình bày điều đó như sau:
"Nhưng tại sao Thiên Chúa lại không tạo dựng một trần gian thật hoàn hảo đến nỗi không thể có một sự dữ nào trong đó? Theo quyền năng vô biên của Ngài, Thiên Chúa luôn có thể tạo dựng được một thế giới tốt hơn. Nhưng trong sự khôn ngoan và lòng nhân hậu vô biên của Ngài, Thiên Chúa đã tự ý muốn dựng nên một trần gian “trong tình trạng lên đường” hướng về sự hoàn hảo cuối cùng của nó. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, quá trình này gồm có việc những vật này xuất hiện và những vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Như vậy, cùng với sự tốt lành thể lý, cũng có sự dữ thể lý, bao lâu công trình tạo dựng chưa đạt tới mức hoàn hảo của nó." (số 310)
Bài đọc: Antonio Tran Trinh Trong
( >> xem tiếp phần 2 )
Từ bài viết Why Horrible Suffering Does Not Disprove God's Existence của Trent Horn, một người vô thần cải đạo sang Công Giáo.
Bình luận