Nội dung của sách Lê-vi là gì? Sách Lê-vi nói về sự TRONG SẠCH 1. Từ “trong sạch” là một từ rất hay. Trong là nhìn từ bên ngoài, còn sạch l...
Nội dung của sách Lê-vi là gì?
Sách Lê-vi nói về sự TRONG SẠCH
1. Từ “trong sạch” là một từ rất hay. Trong là nhìn từ bên ngoài, còn sạch là nhìn từ bên trong. Nhìn chai nước người ta có thể thấy nó trong, nhưng nó có sạch hay không thì không thể biết được. Đối với Chúa, thì không phải chỉ “trong” ở bên ngoài mà còn phải cố gắng “sạch” trong tâm hồn nữa, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can. Và để giữ gìn cũng như giúp đỡ con người nên thanh sạch, Thiên Chúa đã ban lề luật.
2. Trọng tâm của sách Lê-vi là lề luật về sự thánh thiện. Cuốn sách cho chúng ta biết những đòi hỏi của Thiên Chúa nơi dân riêng của Ngài, họ cần phải làm gì để cho xứng đáng với vinh dự được thuộc về Chúa. Luật của sách Lê-vi liên quan đến việc thờ phượng và đời sống hằng ngày.
Sách Lê-vi có 3 phần:
- Chương 1-7: nghi thức các lễ tế
- Chương 11-15: luật liên quan đến những cái được gọi là thanh sạch và ô uế
- Chương 17-26: luật về sự thánh thiện
3. Sách Lê-vi được hoàn thiện bởi tay các tư tế Do Thái giáo, sau cuộc hồi hương từ Babylon, vào khoảng thế kỷ V trước khi Chúa Giê-su sinh ra. Bởi thế, chúng ta hiểu được tính chất khắt khe, chi li, phức tạp trong mỗi dòng của lề luật. Vì người dân hiểu rằng họ cần phải giữ mình cho khỏi “ngoại lai”, khỏi bị pha tạp với các dân khác, và họ hoàn toàn tự nguyện làm điều ấy.
Tuy sách Lê-vi nằm trong Thánh Kinh, tức là Lời Thiên Chúa, song chúng ta lại không giữ những điều được viết trong đó như một quy tắc cứng nhắc. Vì luật này được ban cho một dân chưa được đón nhận Chúa Ki-tô, tức là họ vẫn còn đang trong giai đoạn khởi đầu trong hành trình được Thiên Chúa dạy dỗ.
4. Lề luật là hướng dẫn của Thiên Chúa. Sau này Chúa Giê-su đến, Ngài đã kiện toàn lề luật và hướng dẫn chúng ta sống tinh thần của lề luật, giữ luật với tình yêu, giữ mà không bỏ “một chấm một phẩy” nào trong lề luật mà vẫn hạnh phúc. Như thánh Phao-lô nói: “Ai yêu thương thì chu toàn lề luật”. Luật lệ không phải là gông cùm, mà là hành lang, là la bàn, là bản đồ dẫn người ta đi trên đường trọn lành. Chúa mời gọi chúng ta cộng tác với Chúa, để chúng ta được thánh thiện (và đương nhiên là tự do) mà bước đến với Ngài.
Đa Minh Ngọc Giám
Bình luận