Khi đi xưng tội nếu đã thành tâm thống hối thì sau lời ban ơn xá giải tội trong tòa giải tội thì tội đã được tha rồi dù việc ăn năn tội "chẳng trọn"
Về vấn đề này cần phân biệt: không làm việc đền tội vì không muốn làm hay không thể làm được hoặc vì không nhớ đã làm việc đền tội hay chưa. Những trường hợp đó đều khác nhau.
- Một người đi xưng tội mà chỉ có ý định xưng thôi chứ không muốn làm việc đền tội thì hẳn là việc thống hối của người ấy chưa đầy đủ. Có những tội gây thiệt hại cho tha nhân mà ta phải đền bù (như trả lại đồ vật đã lấy cắp, phục hồi danh dự cho người mình xúc phạm, bồi thường thiệt hại...). Sau khi được tha, tội nhân còn phải làm một việc gì đó để sửa lại lỗi lầm của mình, phải đền bù cân xứng. Việc đền tội như vậy cũng gọi là thống hối (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1459).
- Nếu người xưng tội không thật tâm thống hối và chưa thành tâm thi hành việc đền tội thì việc lãnh nhận bí tích hòa giải vẫn chưa được coi là trọn vẹn.
- Còn trường hợp người xưng tội vẫn có ý đền tội nhưng chưa thể làm được, thí dụ mắc một món nợ quá lớn mà chưa thể nào đền bù ngay được thì người ấy vẫn có thể rước lễ với điều kiện là khi có khả năng hay điều kiện thì phải lo hoàn tất.
- Một trường hợp ít người biết đến là linh mục ra việc đền tội mà hối nhân không có khả năng chu toàn, dù không liên quan tới đức công bình như vừa nêu trên, thì hối nhân được phép xin đổi việc đền tội. Nếu hối nhân nhận thức ngay trong tòa giải tội là không thể chu toàn việc đền tội linh mục vừa ra, thì phải trình bày ngay; trường hợp hối nhân ra về và thực hiện việc đền tội không được, thì trong lần xưng tội tiếp theo, hối nhân nói cho cha giải tội biết mình không thể chu toàn việc đền tội lần trước. Trong trường hợp đó, linh mục sẽ ra việc đền tội khác cho hối nhân.
Có nhiều người vì lương tâm bối rối nên sau khi đã làm việc đền tội lại lo lắng không biết mình đã làm chưa và cũng chẳng còn nhớ cha giải tội căn dặn phải làm gì. Trong trường hợp này thì người ấy cứ lên rước lễ. Sau đó vào lần xưng tội kế tiếp cứ thành thật trình bày với cha giải tội để xin ngài ra việc đền tội. Và tôi cũng có một lời khuyên với trường hợp hay bối rối thì nên mang theo giấy bút và ghi ngay việc đền tội rồi sau khi đã làm thì gạch đi như vậy sẽ giúp khỏi bị bối rối.
Khi đi xưng tội nếu đã thành tâm thống hối thì sau lời ban ơn xá giải tội trong tòa giải tội thì tội đã được tha rồi dù việc ăn năn tội "chẳng trọn" (Giáo Lý HTCG, 1453).
Nguồn: Lm. Nguyễn Ngọc Bích, CSsRR
Bài đọc: Thuy Duong Tran
Bình luận