Các nhánh Kitô giáo khác có vẻ khó chịu khi nghe Công Giáo nói rằng "Không có Giáo Hội thì sẽ không có sách Kinh Thánh". Họ nghĩ r...
Các nhánh Kitô giáo khác có vẻ khó chịu khi nghe Công Giáo nói rằng "Không có Giáo Hội thì sẽ không có sách Kinh Thánh". Họ nghĩ rằng Công Giáo đặt lời Giáo Hội lên trên lời Chúa, hoặc là Giáo Hội có trước Kinh Thánh, hay là Giáo Hội soạn Kinh Thánh chứ không phải Chúa... Góc nhìn của họ về Kinh Thánh là như hình bên trái dưới đây (nguồn ảnh từ page V-Reformed Ministries): 66 quyển được đóng thành cuốn đàng hoàng, và nhận lãnh trực tiếp từ Đức Chúa Trời.
Quá trình hình thành bộ Kinh Thánh rất phức tạp.
Ở những thế kỷ đầu, có rất nhiều bản văn tràn lan nơi các cộng đoàn, và còn mượn danh các Tông Đồ. Nhiều bản văn có sức ảnh hưởng sâu rộng đến nay như sách "Công Vụ của Phêrô" (Acts of Peter) - nguồn gốc của câu chuyện Phêrô đang trên đường bỏ chạy khỏi thành Rôma thì thấy Chúa Giêsu vác thánh giá đi ngược lại, rồi ông hỏi "Thầy đi đâu vậy?". Bản văn tường thuật về công vụ truyền giáo sau khi Chúa thăng thiên đâu chỉ có riêng trong Công Vụ Tông Đồ (Acts of the Apostles). Sách "Công Vụ của Phêrô" cũng tường thuật câu chuyện về thầy bói Simon Magnus mà có lẽ mình đã đọc trong Công Vụ Tông Đồ 8, 9-24; nhưng sách này có thêm chi tiết thú vị là Simon đã thi bay với Phêrô, và kết quả là Simon bị gãy chân. Hay là sách "Tin Mừng của Giacôbê" (Gospel of James) - có thể xem là nguồn gốc tên song thân Đức Maria, Gioakim và Anna.
Xét riêng Tân Ước
Cộng đoàn những thế kỷ đầu không sử dụng bộ Tân Ước như nhau: họ có mục lục sách khác nhau, số lượng sách khác nhau, chứ không phải 27 quyển như mình có ngày nay. Các giáo phụ ở Đông Phương rất dè chừng sách Khải Huyền vì nội dung quá khó hiểu. Nhiều giáo phụ đặt nghi vấn về thư Do Thái vì không rõ tác giả là ai. Một vài bản văn khác nữa cũng khá nổi tiếng và được đọc rộng rãi tại Thánh Lễ nơi các cộng đoàn như "Người chăn chiên Hermas" hay sách Didache.
Chỉ mới vào năm 382, sau Công Đồng Constantinople định tín Chúa Thánh Thần một năm, thì Đức Giáo Hoàng Damasus I tại Công Đồng Rome đã thiết lập ra quy điển Tân Ước gồm 27 cuốn, dựa trên quy điển của giáo phụ Athanasius. Tiêu chuẩn để chọn lọc quy điển chính là Truyền Thống Thánh (Sacred Tradition) - truyền khẩu lại bởi các thánh Tông Đồ. Cần phân biệt Truyền Thống Thánh với truyền khẩu của người phàm mà Chúa Giêsu đề cập tại Mc 7, 8; vì bản thân các Tông Đồ không nhất thiết là truyền lại 100% mạc khải trong sách vở, mà còn bằng lời nói trực tiếp, như Gioan đã viết "Tôi còn có nhiều điều phải viết cho anh em, tôi không muốn dùng giấy mực. Nhưng tôi hy vọng có thể đến với anh em và nói chuyện trực tiếp, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn." (2 Ga 1, 12).
Đây là nơi Kinh Thánh - Truyền Thống Thánh - Huấn Quyền hội tụ. Vì nếu một Giáo Hội toàn mang lời lẽ người phàm thì sẽ không có thẩm quyền gì mà quyết định xem bản văn nào mới được Thánh Thần cảm động. Linh mục Nguyễn Thế Thuấn đã viết:
"Có một điểm ta phải tường tận nhìn nhận. Theo các điều đã nói, thì rõ ràng là Kinh Thánh Giao ước mới đã được hun đúc chính trong sinh hoạt của Hội Thánh. Việc lựa lọc các sách đó giữa một số sách lớn lao hơn, có thể nói là một cơ năng của sinh hoạt tập thể của Hội Thánh lớn dần, để ứng đáp với tình trạng gây nên bởi đã phát triển. Bởi đó, kết luận được rằng Hội Thánh có trước Kinh Thánh Tân Ước.
Đàng khác, chính giao ước - chính việc Thiên Chúa kết uớc với Hội thánh, việc đó có trước Hội Thánh, vì nếu không có việc đó thì Hội Thánh cũng chẳng có. Mối tương quan đó giữa Hội thánh và Tân Ước là một điều nền tảng."
Bình luận