Khi nghe câu hỏi này nhiều người sẽ nghĩ là đơn giản và trả lời nhanh chóng: Vì đó là biểu tượng của đạo Công Giáo. Trả lời như thế là đúng ...
Khi nghe câu hỏi này nhiều người sẽ nghĩ là đơn giản và trả lời nhanh chóng: Vì đó là biểu tượng của đạo Công Giáo.
Trả lời như thế là đúng nhưng không đủ. Các bạn cần lưu ý, mọi chi tiết trong phụng vụ của Giáo Hội luôn có ý nghĩa sâu sắc chứ không đơn thuần chỉ là để trang trí.
Để hiểu rõ về ý nghĩa cây Thánh Giá chúng ta cần biết một chút về qui tắc xây dựng nhà thờ trong lịch sử của Giáo Hội.
Từ thời sơ khai, với truyền thống hướng về phía đông khi cầu nguyện, Giáo hội luôn xây nhà thờ theo hướng đông-tây với cung thánh quay về hướng đông. Quay về phía đông khi cử hành phụng vụ là một truyền thống có từ lâu đời trong nhiều tôn giáo, đặc biệt trong Do Thái giáo. Đạo Công giáo tiếp nối truyền thống của Do thái giáo, cùng với dẫn chứng từ Kinh Thánh để tuyên xưng rằng Chúa Kitô chính là Mặt Trời công chính đang mọc lên. Trong nghi thức thánh lễ cũ, khi dâng lễ, linh mục quay mặt lên cung thánh hướng về phía đông (quay lưng về phía giáo dân) với ý nghĩa là cả cộng đoàn cùng hướng về phía Chúa Kitô.
Trong suốt nhiều thế kỷ truyền thống này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, khi việc xây cất nhà cửa được qui định theo luật lệ của mỗi quốc gia tùy theo qui hoạch và khu vực, chứ không được tự tiện xây theo ý muốn như trước nữa, thì việc xây nhà thờ theo hướng đông-tây khó có thể duy trì.
Công đồng Vatican II (1962-1965) đã cải cách và thích nghi phụng vụ, trong đó có việc xây dựng nhà thờ. Nhà thờ xây theo hướng đông-tây như truyền thống không còn bắt buộc nữa. Thay vào đó, trong mỗi nhà thờ sẽ đặt một cây Thánh Giá trên cung thánh (hoặc trên bàn thờ) với ý nghĩa qui hướng về Chúa Kitô không theo ý nghĩa địa lý mà theo ý nghĩa thiêng liêng.
Như thế, Thánh Giá trên cung thánh chính là sự thay thế cho truyền thống quay về hướng đông khi cử hành phụng vụ của Giáo Hội.
Tác giả:M. Hạnh Tử
Giọng đọc: Thuy Duong Tran
Bình luận