Có nhiều kiểu Thiền, nhưng bài này sẽ đề cập về Thiền TM (còn gọi là Thiền siêu việt) và một phiên bản cải biến trong Kitô giáo gọi là Cầu nguyện Hướn
Có nhiều kiểu Thiền, nhưng bài này sẽ đề cập về Thiền TM (còn gọi là Thiền Siêu Việt) và một phiên bản cải biến trong Kitô giáo gọi là Cầu nguyện Hướng tâm (Centering Prayer).
Thiền TM là một kỹ thuật tự thôi miên có nguồn gốc từ Hindu giáo, trong đó người thực hiện sẽ tập trung và lặp đi lặp lại một câu thần chú bằng tiếng Phạn gọi là Mantra nhằm đưa họ đến một hình thức cao hơn của ý thức, giúp họ tìm kiếm Thần Linh sâu trong chính họ. Kỹ thuật này trái ngược với phương thức cầu nguyện của Kitô giáo. Thay vì dẫn đưa con người đến với Đấng Tạo Hóa, thì nó lại hướng con người đi tìm bản thân chính là Đấng Tạo Hóa. Đây gọi là "nhất nguyên luận" (Monism), tức là cho rằng tạo hóa và thụ tạo đều giống nhau về bản chất!
Các tôn giáo phương Đông đã thiếu vắng một mạc khải rằng có một Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, vượt lên trên mọi tạo vật. Họ cho rằng Chúa chỉ là một phần của vũ trụ, chứ không phải Đấng tạo nên vũ trụ. Bởi nhất nguyên luận, họ xem tất cả mọi sự chỉ là một. Chúa chỉ là một chiều kích có chung một thực tại với con người mặc dù mắt thường không nhìn thấy. Do đó, mục tiêu của họ là lược bỏ mọi chi tiết của thế giới phiền nhiễu bên ngoài và tìm đường đi sâu vào chiều kích tâm linh duy nhất ẩn phía sau. Phương Đông thì muốn xa lánh phiền nhiễu bên ngoài, còn người Kitô hữu thì "khôi phục mọi sự trong Đức Kitô" (Ep 1, 10).
Thiền siêu việt đã bị du nhập vào Kitô giáo bởi các thầy dòng Xitô Nhặt Phép tại Massachusetts, Hoa Kỳ vào những năm 1970. Vị bề trên là Thomas Keating đã mở nhiều workshop và mời nhiều thiền sư từ bên Phật giáo và Hindu giáo đến để trình bày các phương pháp thiền vì ông cho rằng chúng phù hợp với lối sống chiêm niệm của dòng. Nhưng không phải vậy đâu!
Thầy Keating từng viết trong quyển Open Heart, Open Mind rằng "Chúa và con người thật của chúng ta không tách rời nhau. Mặc dù chúng ta không phải Chúa, Chúa và con người thật của chúng ta chỉ là một sự vật." Kitô giáo luôn nhấn mạnh rằng con người chỉ là tội nhân nhưng được "thông phần vào thiên tính" qua Đức Giêsu (2 Pr 1, 4), còn thầy Keating cho rằng không có một cá thể riêng biệt nào cả do mọi sự đều là Chúa. Đây là chủ nghĩa phiếm thần mà Giáo Hội đã lên án mạnh mẽ. Công Đồng Vatican I (1870) tuyên bố: "Nếu ai nói rằng bản chất hay bản thể của Thiên Chúa và của vạn vật là một và giống nhau, hãy để người đó bị vạ tuyệt thông. Nếu ai đó không tuyên xưng rằng thế giới và mọi sự vật ở trong đó, cả tinh thần và vật chất, được tạo dựng dựa theo toàn bộ bản chất từ hư không bởi Thiên Chúa, hãy để người đó bị vạ tuyệt thông." Một thầy khác là Basil Pennington còn cho phép các tín hữu tham gia vào các lớp Thiền TM mặc dù ở nghi thức khai mạc (còn gọi là Puja) lại bao gồm việc thờ lạy một bậc thầy Hindu đã chết, rồi trong những câu thần chú mantra mà họ đọc thì lại có kêu tên các vị thần Hindu trong đó. Đây rõ là hành vi thờ ngẫu tượng.
Một phụ huynh viết cho linh mục John D. Dreher rằng một số trường Công Giáo đã cho du nhập lối Thiền này dưới cái tên Cầu nguyện Hướng tâm. Vài nữ tu đã thử "Kitô giáo hóa" bằng cách thay các câu thần chú Mantra bằng các kinh nguyện Công Giáo. Kristy, con gái 10 tuổi của cô cảm thấy rất thích thú và kể với mẹ rằng em đã được nhìn thấy Chúa Giêsu. Thiền TM thoạt đầu làm Kristy cảm thấy gần gũi với Chúa. Nhưng vào khoảng 6 tuần trước, em lại cảm thấy khó ngủ. Em không muốn ngủ trong phòng riêng mà nằng nặc đòi ngủ ở phòng chị gái. Cuối cùng, em đã thú nhận với mẹ rằng mỗi khi em nhắm mắt, em lại nhìn thấy một thực thể gì đó rất đáng sợ. Vài ngày trước, em còn nghe thấy một giọng cười quái gở. Em thú nhận với mẹ rằng em đã tự thực hiện Thiền TM trước khi đi ngủ.
Chuyện gì đã xảy ra với Kristy? Cha Dreher cho rằng đấy là những thực thể ma quỷ và Kristy đã bị chúng hành hạ. Những kỹ thuật thiền như vậy sẽ mở cánh cổng cho chúng ta đến với thế giới tâm linh, mà thế giới tâm linh đâu chỉ có Chúa, mà còn có thiên thần, và cả quỷ dữ. Phải chăng đây là một phần trong kế hoạch của ma quỷ trong thế giới hiện đại ngày nay khi mà phong trào New Age ngày một nở rộ?
- [message]
- Mời đọc phần tiếp theo:
Bài viết: Khanh Nguyen / Hỏi Đáp Tôn Giáo
Bài đọc: Thuy Duong Tran
Bài tham khảo thêm:
Fr. John D. Dreher - The Danger of Centering Prayer
Tim Staples - Is 'Centering Prayer' Catholic?
Bình luận