Dựa trên giáo huấn Hội Thánh, chúng ta sẽ xem xét về Yoga Thiền, phương pháp tập luyện cải thiện thể chất và tinh thần, từ Ấn Độ khoảng 5000 năm trước
Dựa trên giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta sẽ xem xét về Yoga Thiền, phương pháp tập luyện cải thiện thể chất và tinh thần, bắt nguồn từ Ấn Độ khoảng 5000 năm về trước. Yoga và Thiền là hai khái niệm khác nhau, nhưng nhiều khi vẫn được kết hợp hài hòa với nhau.
- [message]
- Mời đọc bài trước
Mặt tâm linh của Yoga: chủ nghĩa phiếm thần
Như đã nói ở bài trước, các tôn giáo Đông phương thường không có khái niệm một Đấng Tối Cao làm chủ mọi vật, mà rơi vào chủ nghĩa phiếm thần: Chúa chỉ là một phần của vũ trụ. Chúng ta và Chúa không khác gì nhau.
Khi bạn đang tham gia một lớp học yoga, làm sao bạn biết được rằng bạn đang rơi vào chủ nghĩa phiếm thần? Hãy tìm hiểu kỹ câu niệm chú Mantra mà bạn được dạy. Một câu Mantra cổ điển chính là Sohum (hay là Soham). Hít vào là So, thở ra là Hum. Sohum thường được xem là âm vang của hơi thở, tuy nhiên nó còn có nghĩa là "I am That", dưới góc nhìn của kinh Vệ Đà, thì nghĩa là "Tôi là vũ trụ". Theo đó, Sohum mang ý nghĩa phiếm thần: cho mình là Thần Linh, và không còn ranh giới giữa tạo hóa và tạo vật. Chủ nghĩa phiếm thần thật sự nguy hiểm và đã được Hội Thánh cảnh báo. Cho nên nếu bạn được dạy cho một câu bằng một ngôn ngữ bạn không biết, thì bạn phải kiểm tra lại kẻo nó mang yếu tố trái với Đức tin.
Bình an, nhẹ nhõm đến từ Chúa?
Trong văn bản Về một số khía cạnh của việc chiêm niệm Kitô giáo của Bộ Giáo lý Đức tin năm 1989 (lúc này tổng trưởng là Hồng y Ratzinger - Đức Benedict XVI sau này) viết ở số 28:
"Một số bài tập thể chất tự động tạo ra cảm giác yên tĩnh và thư giãn, cảm giác dễ chịu, thậm chí là hiện tượng cảm thấy nhẹ nhõm và ấm áp. Nếu xem những cảm giác như vậy là những sự an ủi đích thực của Thánh Thần, thì là hoàn toàn sai lầm trong đời sống thiêng liêng. Nếu gán cho chúng ý nghĩa biểu tượng mà điển hình cho những trải nghiệm thần bí, mà tình trạng luân lý của người có liên quan không tương ứng với trải nghiệm đó, thì đây đại diện cho một chứng tâm phần phân liệt, cũng có thể dẫn đến rối loạn tâm thần và đôi khi là sự lệch lạc trong luân lý."
Hay nói cách khác, mình không được lầm lẫn những cảm giác dễ chịu về thể chất với ơn Chúa hay những kinh nghiệm thần bí mà nhiều vị thánh như Têrêsa thành Avila hay thánh Gioan Thánh Giá từng trải. Phạm sai lầm như vậy thì sẽ rất nguy hiểm về tinh thần và tâm lý.
Mặt tích cực
Tuy nhiên theo văn bản của Bộ, Giáo Hội vẫn nhìn ra vài mặt tốt của các thực hành trên:
"Những thực hành thiền định chân chính đến từ phương Đông và từ các tôn giáo lớn mà không phải Kitô giáo, đã chứng tỏ sự hấp dẫn đối với con người ngày nay vốn đang bị phân rẽ và bị mất phương hướng, thì có thể trở thành một phương tiện thích hợp để giúp những người cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa với một sự bình yên trong lòng, ngay cả khi đang chịu những áp lực từ bên ngoài."
Giáo Hội vẫn nhìn nhận những động tác cơ thể và các phương pháp thở có thể mang lại lợi ích sinh lý và tâm lý, nếu tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia và các y bác sĩ. Những nguyên lý cơ bản của Hatha Yoga vẫn được bác sĩ và các nhà trị liệu sử dụng để điều trị các bệnh khác nhau, như bệnh tim, đau lưng, hen suyễn, hay thậm chí là rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Linh mục Giuse Hoàng Sỹ Quý SJ - chuyên gia về triết học Ấn Độ, viết:
"Không có gì ngăn trở người Công giáo luyện Yoga. Vâng, người ta chỉ trình bày các thế và ích lợi của mỗi thế, kể cả ích lợi về mặt trị liệu và phòng bệnh. Như thế, Yoga như một thứ thể dục chỉ giúp ta có một sức khoẻ lành mạnh và dẻo dai. Cũng có sách Yoga nói thêm về cách ăn uống và cách sống của người luyện Yoga, một cách đơn giản thôi, chứ không cầu kỳ như trong kinh thư. Dẫu sao, ăn uống dương thanh, có chừng mực và sống tiết chế được như thế, thì chẳng những sức khỏe tốt, mà đức hạnh cũng tăng tiến luôn."
- [message]
- Vậy tóm lại, chúng ta có nên tập Yoga nữa không?
- Xét về mặt tâm linh, Yoga không tương thích với đời sống tâm linh Kitô giáo. Thế nhưng, nếu bạn có thể tách biệt rạch ròi các yếu tố tâm linh/thiền định của Yoga ra khỏi các động tác thể dục, chế độ ăn uống, kỹ thuật hít thở phổ biến trong Yoga, thì bạn có thể sử dụng những động tác và các phương pháp hít thở đó để cải thiện sức khỏe của bạn. Nhưng nếu bạn không chắc là bạn có khả năng tách riêng được hai thứ đó với nhau, thì bạn phải tìm những hình thức rèn luyện sức khỏe khác.
Bài đọc: Thuy Duong Tran
Tác giả bài viết: Khanh Nguyen HĐTG
Bài tham khảo khác:
Michelle Arnold - The Trouble with Yoga
Lm. Hoàng Sỹ Quý SJ - Yoga-Thiền trên thế giới và với Kitô giáo hôm nay
Ảnh: Cha Thomas Merton - người cải tổ các phương pháp chiêm niệm trong Kitô giáo, và đức Đạt Lại Lạt Ma. Cha có một cuốn tự thuật đã được dịch sang tiếng Việt là "Ngọn núi bảy tầng".
Bình luận