Thiên Chúa không có giới tính (hay đúng hơn con người không biết rõ được mầu nhiệm Thiên Chúa), bởi Ngài là Đấng Sáng Tạo và là nguồn viên ...
Thiên Chúa không có giới tính (hay đúng hơn con người không biết rõ được mầu nhiệm Thiên Chúa), bởi Ngài là Đấng Sáng Tạo và là nguồn viên mãn. Nhưng đúng là người ta rất thường áp đặt giới tính nam (male) cho Thiên Chúa.
Trong hầu hết các ngôn ngữ có phân biệt giới tính như latinh hay tiếng Đức, Thiên Chúa luôn có mạo từ xác định của giống đực. Không chỉ có thế, trong Kinh Thánh, chúng ta cũng thường thấy kiểu mô tả Thiên Chúa như một vị vua, một thẩm phán hay một người cha. Ngay cả trong hình ảnh được vẽ ra – chẳng hạn như hình ảnh Chúa Ba Ngôi – người ta cũng mô tả Chúa Cha trong hình dạng một ông già râu tóc bạc phơ… Nói tóm lại, từ xa xưa tới nay, người ta thường gán giới tính nam cho Thiên Chúa.
Nhưng không chỉ riêng trong Kinh Thánh mà trong hầu hết các nền văn hóa cổ đại theo thuyết đa thần, tuy các thần nữ không thể thiếu và luôn được xem như biểu tượng của sự phồn thịnh và nguồn của sự sống, mẹ của muôn loài. Tuy nhiên, vị thần tối cao, thượng đế vẫn luôn là nam giới. La mã cổ đại có thần Zeus, Do Thái giáo + Kitô giáo có Thiên Chúa; Phật giáo có Đức Phật…
Vấn đề trọng nam kinh nữ
Có ý kiến cho rằng do ngày xưa người ta trọng nam khinh nữ, với lại người đàn ông cường tráng và mạnh mẽ luôn là biểu tượng của uy quyền và sức mạnh. Do đó, khi nghĩ về Thiên Chúa như một Đấng uy quyền và mạnh mẽ, người ta gán ghép giới tính nam cho Ngài. Dựa vào điểm này, người ta còn qui kết cho đạo Công giáo cái tội trọng nam khinh nữ, cụ thể hóa trong chuyện chỉ có người nam mới được làm linh mục, giám mục, giáo hoàng, còn nữ thì không.
Tuy nhiên ý kiến này không đủ thuyết phục, bởi chưng trong những nền văn hóa theo mẫu hệ xưa kia, trong đó có Việt Nam, người mẹ giữ vai trò quan trọng và nổi bật hơn người cha. Thế nhưng người Việt vẫn gọi thượng đế là ÔNG TRỜI chứ không phải bà trời. Điều đó cho thấy rằng đức tin tôn giáo (Do Thái giáo hay Công giáo) không phải là nguyên nhân khiến người ta qui kết giới tính nam cho Thiên Chúa.
Suy nghĩ từ nếp sống
Một cách lý giải dễ chấp nhận hơn, đó là những suy tư về Thiên Chúa hầu như chủ yếu phát sinh từ đàn ông, và đồng thời những suy tư ấy chịu ảnh hưởng của nếp sống, nếp suy nghĩ trong môi trường sống của họ, cũng như phản chiếu chính bản thân của họ trong đó.
Trong Tân Ước, qua Chúa Giêsu, chúng ta cùng với Ngài gọi Thiên Chúa là Cha. Nhưng ngay từ Cựu Ước thì người ta vốn đã hình dung Thiên Chúa là đàn ông rồi.
Cho tới nay vẫn chưa có một giải thích nào thỏa đáng cho vấn đề trên, dù người ta vẫn tin rằng Thiên Chúa không thuộc giới tính nào cả. Tuy lối hiểu Thiên Chúa là nam giới khá phổ biến, nhưng thiết nghĩ cảm nhận Thiên Chúa trong thâm tâm mỗi cá nhân lại lệ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người.
Có nhiều người cảm nhận Thiên Chúa như người cha, nhưng cũng không ít người cảm nhận Ngài như người mẹ yêu thương dịu dàng. Do đó, chúng ta không cần quan tâm đến giới tính của Thiên Chúa mà hãy cảm nhận Ngài trong lòng và sự gần gũi của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Khi ấy, cảm nhận cá nhân ấy mới là yếu tố quyết định giúp chúng ta yêu mến Ngài.
Tác giả: M. Hạnh Tử
Bài đọc: Antonio Tran Trinh Trong
Bình luận